Giám đốc FBI: Sẽ điều tra hình sự đối với Snowden

Giám đốc FBI cho biết các cơ quan điều tra Mỹ đang áp dụng “tất cả những biện pháp cần thiết” để khởi tố cựu nhân viên CIA Snowden.
Giới chức chóp bu thực thi luật pháp của Mỹ ngày 13/6 đã chính thức tuyên bố cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edwards Snowden phải chịu trách nhiệm về việc đã tiết lộ những tin tức gây tổn hại an ninh quốc gia Mỹ.

[NSA điều trần về giám sát tối mật của chính phủ Mỹ]

Phát biểu trong cuộc điều trần tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), ông Robert Muller, cho biết giới chức thực thi luật pháp Mỹ sẽ truy lùng gắt gao Snowden để buộc cựu nhân viên tình báo này phải chịu trách nhiệm về việc đã tiết lộ chi tiết chương trình do thám tuyệt mật của chính phủ Mỹ.

Chương trình này cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và FBI truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của các công ty mạng hàng đầu của Mỹ để thu thập thông tin cuộc thoại và theo dõi hoạt động trên mạng Internet của hàng triệu người Mỹ trong nước cũng như người Mỹ ở nước ngoài.

Cũng theo Giám đốc FBI, một cuộc điều tra hình sự cũng đã được tiến hành sau vụ tiết lộ động trời này và các cơ quan điều tra Mỹ đang áp dụng “tất cả những biện pháp cần thiết” để khởi tố Snowden.

[Vụ Snowden và lỗ hổng thông tin mật của nước Mỹ]

Ông Muller một lần nữa khẳng định quan điểm của chính quyền Tổng thống Barack Obama nói rằng chương trình theo dõi tuyệt mật nói trên là công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của nước Mỹ, đồng thời không quên biện minh rằng hoạt động thu thập thông tin cuộc gọi và dữ liệu Internet diễn ra trong khuôn khổ các chương trình hợp pháp đã được tòa án phê chuẩn và phù hợp với hiến pháp Mỹ.

Trước đó, trong cuộc điều trần ngày 12/6 tại Ủy ban Tình báo Thượng viện, Giám đốc NSA, Tướng Keith Alexander cũng cho biết chương trình bí mật trên đã giúp ngăn chặn nhiều âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ cũng như các lợi ích của Mỹ, trong đó có kế hoạch đánh bom hệ thống tầu điện ngầm ở thành phố New York năm 2009.

Thượng nghị sỹ Bill Nelson và một số nghị sỹ Mỹ khác mô tả hành động tiết lộ thông tin của Snowden là "phản quốc." Tuy nhiên, một số nghị sỹ bao thủ , trong đó có Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Rand Paul, lại khuyến khích người dân ký tên kiện chính phủ về vụ này.

Cho tới nay đã có 250.000 người ký tên vào trang mạng của Ủy ban hành động chính trị của ông Paul để yêu cầu mở vụ kiện chống chính phủ về chương trình bí mật mà họ cho là vi phạm hiến pháp này.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh cựu nhân viên CIA Snowden tiếp tục gây sửng sốt cộng đồng thế giới khi tiết lộ các cơ quan tình báo Mỹ từ năm 2009 đến nay đã và đang tiếp tục tấn công mạng máy tính của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có hàng nghìn máy tính ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục.

Giới chức Mỹ lo ngại khả năng Snowden sẽ đào ngũ sang Trung Quốc và hợp tác với nước này, hành động được cho là sẽ gây ra hiểm họa lớn cho an ninh Mỹ vì cựu nhân viên CIA 29 tuổi này nắm được rất nhiều bí mật liên quan tới hoạt động của tình báo Mỹ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phản ứng khá khôn khéo khi cho biết không có thông tin gì liên quan đến công dân Mỹ Snowden được cho là đang lẩn trốn ở Đặc khu hành chính Hong Kong.

Mỹ và Hong Kong có ký thỏa thuận dẫn độ và cũng đã thực hiện thỏa thuận này nhiều lần nhưng hiện Washinton vẫn chưa chính thức đưa ra yêu cầu dẫn độ Snowden về nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục