Giảm lãi suất nợ cũ: Ngân hàng chờ quy định cụ thể

Hầu hết các ngân hàng cho biết sẽ thực hiện việc hạ các khoản cho vay cũ xuống 15%/năm nhưng còn chờ hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu từ 15/7, lãi suất của các khoản vay cũ sẽ được hạ xuống 15%/năm.

Hầu hết các ngân hàng khi được hỏi đều cho biết sẽ thực hiện đúng như yêu cầu của Thống đốc nhưng vẫn cần có hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước.

Cứu doanh nghiệp là cứu ngân hàng

Tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra vào cuối tuần qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lần đầu tiên phải đứng ra kêu gọi, kèm theo chỉ đạo các ngân hàng phải nhanh chóng giảm lãi suất các món nợ cũ xuống. Lãi suất thấp hiện chủ yếu mới tập trung ở các khoản vay mới, còn các khoản vay cũ phần lớn vẫn phải chịu lãi suất khá cao.

Theo Thống đốc, lãi suất đối với các khoản vay cũ (trước khi thực hiện cơ chế áp trần lãi suất cho vay) cần được giảm xuống chí ít là còn 15%/năm, phấn đấu có được các mức thấp như mặt bằng các khoản vay mới hiện nay. Với khoản vay mới lãi suất cho vay theo mặt bằng lãi suất huy động mới nhưng đảm bảo chất lượng tín dụng vay.

“Nếu doanh nghiệp đã khó khăn, không có khả năng trả nợ gốc thì việc ghi lãi suất cao không có ý nghĩa gì, nhưng gây phản cảm với xã hội. Còn với doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn mà vẫn duy trì lãi suất cao thì không phải là chia sẻ với doanh nghiệp,” Thống đốc phân tích.

Ông Bình chỉ ra, ngành ngân hàng cần phải thẳng thắn nhìn lại đã hết lòng vì doanh nghiệp chưa, sát cánh cùng ngồi với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn chưa? Đây là trọng tâm trong thời gian sắp tới. Một mặt khẳng định với thị trường, dư luận là ngành Ngân hàng đã có giải pháp kiên quyết hết sức thiết thực hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

Thêm một lần nữa, ngân hàng nhà nước lại phải dùng tới biện pháp hành chính để “ép” các nhà băng phải giảm lãi suất các món nợ cũ lãi cao xuống, thậm chí ấn định mức cụ thể 15%/năm. Điều này, cho thấy những chính sách, chỉ đạo trước đó đã không được các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh địa phương và các thành viên trong hệ thống thực thi một cách nghiêm túc.

Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng khi được hỏi đều cho biết sẽ thực hiện đúng như yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là sẽ hạ các khoản cho vay cũ xuống 15%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank, Agribank còn tuyên bố sẵn sàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 12%, thậm chí 11%/năm.
 
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, đã thống nhất với Ban Điều hành về việc hạ lãi suất xuống. Eximbank đang bắt tay vào rà soát các khoản vay cũ, để áp lãi suất từ 15%/năm trở xuống. Ngoài việc giảm lãi suất, Eximbank còn cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi với doanh nghiệp khó khăn.

Một số ngân hàng khẳng định hạ lãi suất các khoản vay cũ không ảnh hưởng đến hoạt động của mình, bởi trước đây huy động lãi suất cao nhưng với kỳ hạn ngắn, khoảng từ 1 tới 3 tháng, giờ huy động với lãi suất thấp từ 9 -10% với kỳ hạn trung và dài hạn thì việc hạ lãi suất cho các khoản vay cũ xuống 15% có thể thực hiện được.

Đồng tình với quan điểm của ông Dũng, ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc HDBank cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến chỉ đạo của Thống đốc. Ông Trung cho rằng, với mức lãi suất 15% thì may ra doanh nghiệp mới có thể trụ được. Doanh nghiệp có tồn tại được thì ngân hàng mới sống được.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng cái khó hiện nay không phải ở lãi suất thấp hay cao mà là việc doanh nghiệp có hoạt động có hiệu quả hay không.

Ông Trung nhấn mạnh: Muốn nền kinh tế phục hồi được thời điểm này thì phải giảm lãi suất và tăng cung vốn cho nền kinh tế. Đã giảm lãi suất thì phải giảm tất cả, chứ không thể lĩnh vực này giảm còn lĩnh vực khác lại không.

“HDBank chủ trương không đi theo xu hướng lãi suất cao. Thực ra ngân hàng cũng đã có lộ trình giảm lãi suất trước khi có ý kiến chỉ đạo của Thống đốc. Hiện nay, tất cả các khoản vay cũ tại ngân hàng đều được xem xét giảm lãi suất như chỉ đạo của Thống đốc. Với những khoản vay tiêu dùng cũ, có những gói chúng tôi đưa lãi suất xuống có 12%, đối với lãi suất kinh doanh có những doanh nghiệp HDBank đưa về còn 11%,” ông Trung cho biết.

Chờ hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước

Thực tế, không phải đến giờ cơ quan quản lý mới yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất cho các món vay cũ, lãi cao. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định tập trung vào bốn lĩnh vực ưu tiên, còn các lĩnh vực khác lại quá chung chung, không rõ điều kiện, đối tượng cụ thể được giảm, mức giảm bao nhiêu khiến cho các ngân hàng nơi làm, nơi không, nơi giảm cho có hoặc chỉ điều chỉnh đối với những khách hàng VIP của mình.

Mặc dù ngân hàng nào cũng thấy thông điệp hạ lãi suất của Thống đốc là việc cần làm, nhưng đại diện một ngân hàng cũng thẳng thắn cho rằng, Ngân hàng Nhà nước “ép hơi quá” nên các ngân hàng thương mại không khác nào người bị “tụt huyết áp.” Vì vậy, cần có giảm lãi suất từ từ để ngân hàng còn “có hơi để thở.”

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (Lienvietpost Bank) cũng cho rằng, nếu để “cào bằng” một mức lãi suất thì sẽ rất khó khăn cho một số ngân hàng nhỏ. Đặc biệt là các ngân hàng có huy động bình quân đầu với lãi suất vẫn còn cao, nhiều khoản lãi vẫn còn ở mức 14%/năm trước đó chưa đến kỳ đáo hạn. Trong khi đó lãi suất cho vay lên tới 18-19%/năm nay bị kéo hạ xuống 15%/năm thì các ngân hàng cũng khó xử lý.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) mong Ngân hàng Nhà nước có thông điệp rõ về lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Vị đại diện này cũng hứa sẽ đưa lãi suất về đúng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, không phải cứ khi nào ngân hàng hạ lãi suất, doanh nghiệp cũng đồng thuận.

Bà Nga cho hay, có khách hàng của ngân hàng vay mua bất động sản với lãi suất 24%/năm nay được ngân hàng giảm xuống 20%/năm, họ cũng không trả được nợ. Thế nhưng sau một thời gian vẫn thấy doanh nghiệp "im lặng," ngân hàng liên lạc lại thì được doanh nghiệp "mặc cả" lãi suất xuống 12% mới có thể trả được nợ. Giảm một nửa lãi suất so với ban đầu nhưng doanh nghiệp này lại "lật kèo" nói cần suy nghĩ thêm.

Thực tế này, theo bà Nga là không ít. Vì thế, trong văn bản hướng dẫn thi hành bà Nga đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần quy định rõ chỉ cho vay đối với doanh nghiệp có đủ điều kiện để không làm gia tăng nợ xấu trong hệ thống.

Đại diện một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ khác cũng cho biết, nếu việc giảm lãi suất hợp đồng vay cũ xuống 15%/năm chỉ dành cho các lĩnh vực ưu tiên thì ngân hàng có thể làm được. Tuy nhiên nếu Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải giảm lãi suất cả với các khoản vay tiêu dùng, tín chấp, vay bằng nguồn thu thì không phù hợp vì đây là những khoản vay mang tính rủi ro cao. Do vậy, ngân hàng phải áp dụng biên độ lợi nhuận cao để bù đắp. Những ngân hàng này cho rằng tốt nhất những khoản vay dạng này nên để các ngân hàng thương mại tự tính toán lãi suất.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất lần này cũng sẽ có nhiều phức tạp do phải sửa lại toàn bộ khế ước cũng như ký lại hợp đồng vay với khách hàng.

Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tuần này Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc giảm lãi suất các khoản vay cũ và cả các khoản vay mới./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục