Giảm lãi suất OMO là giải pháp điều hành linh hoạt

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất qua thị trường mở không phải là tín hiệu chính sách mà là giải pháp điều hành linh hoạt.
Ngày 8/7, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức khẳng định việc điều chỉnh giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) không phải là tín hiệu chính sách mà là giải pháp điều hành linh hoạt công cụ nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày phù hợp với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, thực tế, thị trường hiện nay dư cung thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng tương đối ổn định ở mức 12-13%/năm, lãi suất huy động vốn VND thực tế từ tổ chức kinh tế và dân cư có biểu hiện giảm.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, theo các mục tiêu tiền tệ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 và Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 05/6/2011.

Thông điệp trên được đưa ra khi có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc từ ngày 4/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) từ 15%/năm xuống 14%/năm, tương đương lãi suất tái cấp vốn hiện nay.

Nhiều tổ chức, chuyên gia tài chính quốc tế đã bày tỏ lo ngại về quyết định hạ lãi suất quá sớm của Việt Nam. Citigroup cảnh báo: “Nới lỏng quá sớm luôn là rủi ro lớn tại Việt Nam. Quyết định này gây ra rủi ro về khả năng áp lực mất giá lên tiền đồng trở lại sau vài tháng bình ổn.”

Còn Ngân hàng ANZ thì cảnh báo: “Nới lỏng chính sách tiền tệ lúc này là quá sớm.”

Một số chuyên gia trong nước cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên cẩn trọng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ do một số yếu tố tác động mạnh đến lạm phát vẫn còn và chưa ổn định. Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất thị trường mở chứng tỏ rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn quan tâm đến tăng trưởng. Tuy nhiên, lúc này, chống lạm phát vẫn cần được ưu tiên hơn mục tiêu tăng trưởng.

Từ đầu năm, đây là lần thứ 7 Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất trên thị trường mở, trong đó, 6 lần trước là điều chỉnh tăng. Lần điều chỉnh gần nhất trước khi điều chỉnh giảm vào ngày 4/7 là tăng lãi suất thị trường mở lên 15% từ mức 14% trước đó./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục