"Giảm lãi suất USD không gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân"

Việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD về 0% đối tổ chức và 0,25% đối với cá nhân không gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và người dân.
"Giảm lãi suất USD không gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD về 0% đối với tổ chức và 0,25% đối với cá nhân không gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và người dân vì với mức chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi VND và USD trên 5% như hiện nay, việc chuyển dịch sang nắm giữ VND rõ ràng có lợi hơn.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, trong quá trình chỉ đạo điều hành chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã luôn quán triệt phương châm nâng cao vị thế của VND và thực hiện từng bước việc hạn chế đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ.

Theo đó, những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã giảm dần trần lãi suất huy động ngoại tệ xuống còn 0,25%/năm áp dụng đối với tổ chức và 0,75%/năm áp dụng đối với cá nhân (từ 29/10/2014 đến 27/9/2015). Với cách thức điều hành này, cùng với sự phối hợp đồng bộ các giải pháp công cụ về tiền tệ và ngoại hối đã đem lại sự ổn định cho thị trường tiền tệ và ngoại hối trong những năm qua. Thời gian qua, mặc dù trên thị trường tiền tệ và ngoại hối có biến động nhưng về cơ bản là ổn định. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận tổ chức, cá nhân có biểu hiện găm giữ ngoại tệ.

Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, việc điều chỉnh giảm lãi suất USD không gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và người dân vì với mức chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi VND và USD trên 5% như hiện nay, việc chuyển dịch sang nắm giữ VND rõ ràng có lợi hơn.

Cụ thể, đối với khách hàng có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ trong tương lai, thay vì găm giữ ngoại tệ và mất chi phí cơ hội lớn, khách hàng có thể bảo hiểm rủi ro tỷ giá thông qua bán ngoại tệ lấy VND để gửi lấy lãi rồi mua ngoại tệ kỳ hạn. Như vậy, thu nhập của khách hàng từ lãi VND không những có thể đủ bù đắp chi phí mua kỳ hạn mà còn có thể đem lại lợi nhuận cho khách hàng.

Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ đưa ra ví dụ, trường hợp doanh nghiệp có 1 triệu USD và sẽ phải thanh toán sau 1 tháng. Nếu doanh nghiệp lựa chọn giữ USD trên tài khoản cho đến hạn thanh toán, doanh nghiệp sẽ mất chi phí cơ hội khoảng 84 triệu đồng (tương đương mức lãi suất 4,5%/năm trên số tiền 1 triệu USD quy đổi ra VND). Kể cả trường hợp lãi suất USD vẫn ở mức 0,25%/năm như trước đây, doanh nghiệp cũng chỉ được hưởng lãi USD khoảng 5,6 triệu đồng, như vậy chi phí tổng vẫn khoảng 78,4 triệu VND.

Nếu doanh nghiệp bán 1 triệu USD đổi VND gửi lấy lãi và mua USD kỳ hạn 1 tháng với điểm kỳ hạn 2,5 đồng/ngày thì doanh nghiệp được hưởng lãi là 84 triệu đồng và mất thêm chi phí mua kỳ hạn là 75 triệu đồng, như vậy vẫn được hưởng lợi 9 triệu đồng. Nếu doanh nghiệp chờ càng đến gần thời hạn thanh toán để mua ngoại tệ, chi phí mua kỳ hạn càng thấp và lợi nhuận của doanh nghiệp có thể lên tới 84 triệu đồng.

Ngoài ra, với các tập đoàn, doanh nghiệp còn được lợi từ việc vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn đáng kể so với vay VND trong suốt thời gian qua và nếu làm phép tính cộng dồn từ năm 2012 đến nay thì khoản lợi chênh lệch lãi suất lớn hơn hẳn khoản lỗ điều chỉnh tỷ giá. Chưa kể bên cạnh các khoản vay USD, tập đoàn, doanh nghiệp còn vay EUR, JPY và việc đồng EUR, JPY giảm giá liên tục từ nửa cuối năm 2014 đến nay thực tế vẫn đang đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì tỷ giá tăng lại làm tăng doanh thu từ bán dầu, khí, có thể bù đắp cho phần tăng chi phí do lỗ tỷ giá. Và cuối cùng, cần chú ý rằng lỗ, lãi do chênh lệch tỷ giá thực chất chỉ lỗ, lãi hạch toán, chưa phát sinh thực tế và có thể đảo chiều theo sự đảo chiều của tỷ giá trong những năm tới.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng khẳng định, với việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và với biên độ +/-3% hiện nay, tỷ giá VND có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, xóa bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Tuy nhiên, những diễn biến vừa qua cũng cho thấy đối với các doanh nghiệp, tập đoàn có vay nợ bằng ngoại tệ nhưng doanh thu bằng VND sẽ luôn phải đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá.

“Vì thế, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận công cụ phái sinh tại hệ thống ngân hàng để bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Thay vì găm giữ ngoại tệ và phải chịu chi phí cơ hội lớn, doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ trong tương lai có thể mua ngoại tệ kỳ hạn, như vậy, thu nhập của doanh nghiệp từ lãi VND đối với khoản tiền chưa đến hạn thanh toán không những có thể đủ bù đắp chi phí mua kỳ hạn mà còn có thể đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp,” lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo.

Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, quyết định của Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi USD không những giảm thiểu hiện tượng đô la hóa mà còn làm giảm áp lực lên tỷ giá. Đây là một quyết định quan trọng và cần thiết để ổn định tiền đồng trong lúc này. Chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi USD và lãi suất tiền gửi VND tăng lên do lãi suất tiền gửi USD giảm xuống mức thấp nhất có thể như theo quyết định mới đây, sẽ khuyến khích cá nhân và các tổ chức kinh tế bán USD và gửi tiền vào tại khoản VND để hưởng lãi suất cao.

Cũng theo ông Hiếu, trong trường hợp tổ chức kinh tế có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ trong tương lai thì việc bán ngoại tệ lấy tiền đồng để gửi lấy lãi rồi mua ngoại tệ khi đến hạn thanh toán hoặc mua ngoại tệ kỳ hạn luôn cũng có lợi hơn là găm giữ ngoại tệ. Trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ đang giảm như hiện nay, cho dù khách hàng rút USD để chuyển sang tiền gửi VND hay đầu tư vào các kênh khác thì thanh khoản USD trong những tháng tới vẫn được đảm bảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục