Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất

Trong hai ngày 27-28/7, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất đai.
Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Chiều 27/7, tại thành phố Cần Thơ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất đai để thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội.

Tham gia hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân của 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (27-28/7) với 3 phiên trao đổi và thảo luận do lãnh đạo của Ban Dân nguyện chủ trì với các nội dung: giới thiệu về các quy định của pháp luật về thu hồi đất; khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về những tồn tại, hạn chế trong các quy định của Luật Đất đai 2013 về thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội, một số quy định chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch… từ đó đưa ra các kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều luật cụ thể trong Luật Đất đai 2013.

[Thất thoát đất công tại Thành phố Hồ Chí Minh: Chống “lợi ích nhóm”]

Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về những hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện việc thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội; trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất, nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; trình tự xem xét, thẩm tra dự thảo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh về danh mục các dự án thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động thẩm tra và giám sát việc thu hồi đất; quy trình Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền, các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát này...

Theo ông Dương Thanh Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện, hội nghị nhằm góp phần làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật về đất đai, trong tổ chức thực hiện quản lý đất đai của các cơ quan có thẩm quyền, công tác thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh, đồng thời chỉ ra được nguyên nhân chủ yếu để đề ra các giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong công tác này.

Thời gian qua, công tác dân nguyện luôn được quan tâm và đã đạt được những kết quả nhất định. Công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngày càng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đã đi sâu giám sát nhiều vụ việc cụ thể có tính chất phức tạp, đông người, kéo dài tại một số địa phương.

Kết quả giám sát đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan về bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ hằng năm và kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải quyết khiếu nại, tố cáo đã cho thấy tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp, đông người và chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai.

Trong bối cảnh đó, các địa phương đang tập trung phát triển kinh tế-xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu về thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội rất lớn làm phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động này.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục