Thất thoát đất công tại Thành phố Hồ Chí Minh: Chống “lợi ích nhóm”

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều vụ việc vi phạm về đất đai đã bị xử lý ở nhiều cấp độ khác nhau, kể cả việc một số cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự.
Trụ sở SAWACO, đơn vị liên quan đến việc chuyển nhượng đất công tại 360 Xa lộ Hà Nội. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Trụ sở SAWACO, đơn vị liên quan đến việc chuyển nhượng đất công tại 360 Xa lộ Hà Nội. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Đất đai là một trong những lĩnh vực “nhạy cảm” khi nguồn lợi sinh ra từ đó rất lớn. Đây cũng là lĩnh vực chứng kiến nhiều sự thay đổi trong các quy định pháp luật; chồng chéo giữa các luật chuyên ngành từ nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch cho đến đầu tư, tài nguyên môi trường…

Đồng thời, thực tiễn thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề mới mà pháp luật không theo kịp, cần phải liên tục điều chỉnh. 

Xử nghiêm cá nhân vi phạm 

Qua các vụ “thâu tóm” đất công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đất quốc phòng đã bị đem đi liên danh, chuyển đổi mục đích sử dụng trái pháp luật, làm lợi cho doanh nghiệp.

Đất công có vị trí đắc địa đã biến thành tài sản doanh nghiệp tư nhân mà không qua đấu giá. Do đó, dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều vụ việc vi phạm về đất đai đã bị xử lý ở nhiều cấp độ khác nhau, kể cả việc một số cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự. Nhiều lần lãnh đạo Đảng và Nhà nước khẳng định, kỷ luật cán bộ là điều không mong muốn nhưng vẫn phải quyết liệt làm để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lấy lại niềm tin nhân dân, tạo môi trường đầu tư bình đẳng.

Theo đó, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín bị tuyên phạt và đang chấp hành án phạt 7 năm tù liên quan đến dự án 15 Thi Sách; hai ông Nguyễn Thành Tài và Trần Vĩnh Tuyến giữ chức vụ tương tự cũng đã bị truy tố, khởi tố cùng tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”

Hàng loạt cán bộ khác từng công tác tại Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, một số sở ngành, công ty nhà nước trên địa bàn cũng đang bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên theo Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), việc phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm đang tồn tại nhiều vấn đề như xác định trách nhiệm kéo dài; tình trạng trình lên, chuyển xuống khi xác định cơ quan có thẩm quyền xử lý…

Trong một số vụ việc có tình trạng chỉ xử lý trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính với cán bộ nhưng trách nhiệm dân sự đối với cơ quan Nhà nước không được đặt đúng trong mối quan hệ dân sự.

[Thất thoát đất công tại TP.HCM: Đất quốc phòng "rơi vào tay" tư nhân]

Vì thế, các cơ quan quản lý Nhà nước phải dựa trên các nguyên tắc xét xử để ứng xử đối với các chủ thể, các hành vi vi phạm và luôn trong tâm thế sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc xử lý của mình theo cơ chế tài phán khách quan.

Đồng thời, phải xác định đúng trách nhiệm cán bộ trong bồi thường thiệt hại và đặt vị thế doanh nghiệp đúng vai trò pháp nhân độc lập trong nền kinh tế thị trường, như vậy sẽ tránh nguy cơ những vụ kiện quốc tế.

“Cơ quan quản lý Nhà nước là một chủ thể trong quan hệ pháp luật, nếu vi phạm pháp luật Việt Nam thì sẽ phải đối mặt với các vụ kiện hành chính trong nước hoặc vụ kiện quốc tế. Do vậy cần phải xác định rõ trách nhiệm, vị trí của cơ quan hành chính, cán bộ quản lý và doanh nghiệp trong mối quan hệ pháp luật trong việc xử lý các vụ việc sai phạm. Nếu cán bộ quản lý làm sai thì cá nhân họ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Nhà nước,” Luật sư Trần Đức Phượng nêu quan điểm.

Trong việc xử lý các vụ sai phạm đất đai, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đâu đó, nhiều cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch “ngay tình,” quyền lợi chính đáng của họ vẫn bị ảnh hưởng và rất khó có thể khôi phục nguyên vẹn, ít nhất là về quyền lợi kinh tế.

Nhiều nhà đầu tư đã lên tiếng đối với quyền lợi của họ khi họ “ngay tình,” không có vi phạm nhưng vẫn phải chịu mọi hậu quả dân sự như dự án bị thu hồi, đất bị thu hồi… nhưng lại không xác định ai sẽ phải bồi thường thiệt hại cho họ.

Lâu nay, xu hướng xử lý những vụ việc sai phạm liên quan đến đất đai vẫn theo hướng hành chính khi các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành các văn bản xử lý mà không thông qua hoạt động tài phán xét xử.

Khi thông qua cơ chế này, nhiều trường hợp doanh nghiệp dự án đóng vai trò là bên “ngay tình,” bên sở hữu tài sản hợp pháp cần phải được nhìn nhận khách quan, phải công nhận, bảo vệ chứ không thể xử lý theo hành chính mang tính quyền lực, áp đặt. 

Tuy nhiên, thật khó định đoán doanh nghiệp nào “vô tư,” không vụ lợi trong các cuộc “thâu tóm” đất công. Vấn đề là phải tuân thủ pháp luật, bất kể tổ chức, cá nhân nào.

Vì thế, bên cạnh việc xử lý quan chức “nhúng chàm,” cơ quan chức năng còn truy tố bà Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hoa Tháng Năm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue trong dự án 8-12 Lê Duẩn về tội “Vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”

Hay như tòa án các cấp cũng đã xem xét, giải quyết trách nhiệm dân sự đối với Phan Văn Anh Vũ tại dự án 15 Thi Sách, Thành phố Hồ Chí Minh tại vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến đất công ở Đà Nẵng.

Với quan chức “ngã ngựa,” xử lý nghiêm minh là điều dư luận trông đợi. Nhưng nhân dân cũng trông đợi vào vấn đề “tối thượng” khác trong các vụ án tham nhũng kinh tế là khắc phục hậu quả, thu hồi, hạn chế tối đa thất thoát tài sản Nhà nước.

Đơn cử tại dự án Khu dân cư Phước Long B, Quận 9 liên quan đến SAGRI, sau khi phát hiện vụ việc, lãnh đạo đương nhiệm của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ký quyết định để thu hồi và hủy bỏ các quyết định trước đó do ông Trần Vĩnh Tuyến ký chấp thuận cho chuyển nhượng dự án.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng đang xử lý vấn đề hủy hợp đồng chuyển nhượng, tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa SAGRI và Tổng Công ty Phong Phú nhằm tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Để bảo đảm khắc phục hậu quả đối với 3 khu đất tại địa chỉ số 2, số 7-9 và 9-11 Tôn Đức Thắng, Quận 1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố không làm thủ tục phát mại tài sản, mua bán, chuyển nhượng, tặng, cho khu đất quốc phòng.

Còn tại dự án 76 Tôn Thất Thuyết, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã định giá lại giá trị khu đất sát với giá thị trường cũng như hủy các quyết định về chủ trương đầu tư dự án để thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Tương tự, tại khu đất 8-12 Lê Duẩn, các cơ quan Trung ương yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố thu hồi quyền sử dụng đất đem đấu giá công khai thu ngân sách.

Bản thân Thành phố trong thẩm quyền của mình cũng đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan Trung ương xử lý vụ việc theo hướng tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật nhưng vẫn đảm bảo môi trường đầu tư.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật 

Xử lý cán bộ vi phạm chỉ là giải quyết phần ngọn, vấn đề cốt lõi vẫn phải xây dựng các quy định pháp luật để kiểm soát, răn đe và xử lý. Khi ai đó “vượt ra” ngoài pháp luật, dù là lãnh đạo cơ quan Nhà nước hay cá nhân “khoác áo” doanh nghiệp để mưu toan lợi ích bất chính, đều phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, không để kéo dài, phát sinh hệ luỵ về sau.

Vì vậy, hoàn thiện hệ thống pháp luật là việc làm thường xuyên và cũng là nhiệm vụ chính trị trong nhà nước pháp quyền.

Thất thoát đất công tại Thành phố Hồ Chí Minh: Chống “lợi ích nhóm” ảnh 1Dự án 360 Xa lộ Hà Nội, quận 9 liên quan đến sai phạm chuyển nhượng đất công. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Qua các vụ "thất thoát" đất công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tồn tại nhiều lỗ hổng trong hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề quản lý đất đai của doanh nghiệp nhà nước, đấu giá nhà đất.

Từ đó, các đối tượng đã lợi dụng để trục lợi bằng việc biến các khu nhà đất này sang một hình thức quan hệ khác bằng việc thành lập pháp nhân dự án, hợp đồng phát triển dự án, chuyển nhượng dự án.

Từ thực tiễn điều tra các vụ án về đất đai, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho rằng, cần thiết phải tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, xóa bỏ cấp hành chính trung gian phía trên can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh, sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước, chống “lợi ích nhóm,” tham nhũng, tiêu cực, lạm dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Bên cạnh đó, cần thiết xem xét, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc thoái vốn của các tổng công ty, tập đoàn kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và dưới 100% vốn nhà nước, các “công ty con,” “công ty cháu”… để phòng ngừa hành vi “thâu tóm,” làm giá gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Đối với việc sắp xếp, xử lý tài sản nhà nước, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, còn có sự buông lỏng quản lý, pháp luật còn kẽ hở để các cá nhân thực hiện thủ đoạn liên danh, liên kết, thành lập pháp nhân, cố tình áp dụng không đúng các quy định về quản lý, sử dụng nhà đất, công sản để từng bước dịch chuyển quyền sở hữu tài sản công thành tài sản của các doanh nghiệp tư nhân.

Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần chú trọng đến thủ tục pháp lý, xác định giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất; đảm bảo việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thông qua đấu giá, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phòng chống “lợi ích nhóm” gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách.

Dưới góc độ quản lý địa phương, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định, thời gian qua, việc quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước còn buông lỏng, thiếu sót, sai phạm như sử dụng không đúng mục đích, bị chiếm dụng, cho thuê, bán không đúng đối tượng, không đúng quy định.

Việc xác định giá thuê, giá trị bán để tham gia liên doanh, liên kết, cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển nhượng dự án không sát với giá thị trường, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước và có nơi tạo ra nhóm lợi ích để trục lợi.

Trong khi đó, khối lượng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Thành phố rất lớn, từ nhiều nguồn khác nhau, công tác quản lý, sử dụng được giao cho nhiều đầu mối. Các quy định pháp luật về quản lý sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn khiến phát sinh nhiều sai phạm.

Trước diễn biến phức tạp đó, từ cuối năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TU về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Thành phố.

Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị là Ban Nội chính và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy có nhiệm vụ phối hợp với Thanh tra Thành phố và các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp có biểu hiện tham nhũng trong quản lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Các vụ án liên quan đến đất công, gây thất thoát tài sản Nhà nước sẽ mãi là bài học đắt giá. Những vụ vi phạm như “vết thương” trên “da thịt đất đai”, có thể sẽ cần thời gian để chữa lành, tài sản Nhà nước có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để thu hồi.

Nhưng nhân dân Thành phố luôn có niềm tin hiện hữu, thường trực là với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác quản lý đất đai sẽ được chỉnh đốn, sai phạm sẽ được kéo giảm ở mức thấp nhất, tham nhũng kinh tế sẽ được phòng chống với tinh thần quyết liệt.

Và như vậy, Thành phố sẽ không phải “mất thêm” nhiều cán bộ lãnh đạo, không phải mất đi các nguồn lực lớn lao từ đất đai và nhân dân cũng sẽ không mất đi niềm tin vào hệ thống chính quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục