"Giảm thuế suất phổ thông như lộ trình là phù hợp"

Các chuyên gia kinh tế cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014, sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước trong một vài năm đầu nhưng cũng không phải là áp lực lớn.

Việc giảm mức động viên tại thời điểm khó khăn này tạo điều kiện giúp doanh nghiệp thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy tái đầu tư, phát triển sản xuất. Do vậy, số thuế nộp ngân sách nhà nước cũng sẽ tăng thêm, bù đắp lại số giảm thu của những năm đầu. Mặt khác, số giảm thu ngân sách do giảm thuế suất và ưu đãi thuế cũng sẽ được bù đắp thông qua các sắc thuế khác.
Chính phủ vừa trình Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế suất phổ thông theo như lộ trình tại dự thảo là phù hợp, không quá nhanh, giảm bớt sức ép về cân đối ngân sách của những năm đầu khi áp dụng.

Giảm thu nhưng không tạo áp lực


Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước trong một vài năm đầu nhưng cũng không phải là áp lực lớn.

Ước tính trên căn cứ số thu thuế thu nhập doanh nghiệp (không kể dầu thô) năm 2012 là 107.462,319 tỷ đồng, ứng với 1% thuế suất sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 6.032 tỷ đồng. Theo đó, việc áp dụng thuế suất 20% từ 1/7/2013 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa dự kiến giảm thu ngân sách nhà nước năm 2013 khoảng 1.437 tỷ đồng so với mức thuế suất 25% hiện hành.

Đối với lĩnh vực xây dựng, theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, bình quân hàng năm tiêu thụ được khoảng 10.000 căn, trong đó, giá bán bình quân là 500 triệu đồng/căn.

Giả thiết, tỷ suất lợi nhuận của dự án đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội là 10% thì lợi nhuận hàng năm khoảng 500 tỷ đồng. Với mức thuế suất là 25% thì số thu ngân sách nhà nước sẽ là 125 tỷ đồng. Nếu áp dụng mức thuế suất là 10% thì số thu ngân sách nhà nước là 50 tỷ đồng.

Như vậy, việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho mua đối với các đối tượng quy định tại Điều 53 của Luật nhà ở, theo tính toán, sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 75 tỷ đồng/năm.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm mức động viên tại thời điểm khó khăn này tạo điều kiện giúp doanh nghiệp thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy tái đầu tư, phát triển sản xuất. Do vậy, số thuế nộp ngân sách nhà nước cũng sẽ tăng thêm, bù đắp lại số giảm thu của những năm đầu.

Mặt khác, số giảm thu ngân sách do giảm thuế suất và ưu đãi thuế cũng sẽ được bù đắp thông qua các sắc thuế khác (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân…) do doanh nghiệp sử dụng một phần lợi nhuận tăng thêm từ việc giảm thuế suất để tăng vốn đầu tư, tăng thu nhập và phúc lợi cho người lao động qua đó góp phần làm tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Thực tiễn cải cách chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua cho thấy mặc dù mức thuế suất được điều chỉnh giảm từ 32% xuống 28% năm 2004 và sau đó xuống 25% năm 2009. Tuy nhiên, nhờ triển khai kịp thời biện pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu thuế, môi trường kinh doanh được cải thiện, số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp những năm sau đã dần ổn định trở lại và duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.

Cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh

Theo các chuyên gia kinh tế, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất qua đó có tác động tích cực đối với kinh tế-xã hội trong trung và dài hạn.

Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã có tác dụng tích cực với nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà Việt Nam có lợi thế, có thị trường trong nước và tiềm tăng xuất khẩu. Những ngành được hưởng lợi nhiều như ngành sản xuất đồ uống không cồn, đồ may mặc, sợi, phương tiện vận tải phụ tùng, công nghiệp khai khoáng, khí đốt.

Với dự thảo sửa đổi lần này, các doanh nghiệp lớn, quy mô vốn đầu tư lớn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc giảm thuế suất so với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài góp phần tăng trưởng GDP trong trung và dài hạn. Bởi số giảm thu ngân sách nhà nước tạo điều kiện tăng thêm nguồn vốn tái đầu tư, phát triển sản xuất cho các doanh nghiệp.

Cùng với việc giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% từ 1/1/2014, việc đề xuất áp dụng mức thuế suất 20% ( thấp hơn mức thuế suất phổ thông) từ ngày 1/7/2013 cho các doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng sẽ có tác dụng thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa phát triển.

Số liệu thống kê của cơ quan thuế cho thấy, đến ngày 20/11/2012, cả nước có khoảng 463.397 doanh nghiệp đang hoạt động. Theo số liệu quyết toán thuế có 237.472 doanh nghiệp có thu nhập và nộp thuế trong đó 208.529 doanh nghiệp có doanh thu năm dưới 20 tỷ đồng (chiếm 87,8% trong tổng số doanh nghiệp thuộc đối tượng nộp thuế của năm 2011).

Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống mức 22% từ 1/1/2014 và quy định rõ lộ trình giảm xuống 20% từ 1/1/2016 sẽ đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia là 25%; Philippines là 30%) song không quá nhanh sẽ hạn chế tác động giảm thu ngân sách đột ngột, giảm bớt sức ép về cân đối ngân sách của những năm đầu khi áp dụng đồng thời không xáo trộn nhiều tới hệ thống chính sách ưu đãi thuế./.

Hải Yến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục