Gian nan điện về Tây Bắc

Tết Kỷ Sửu đã cận kề, đường lên Tây Bắc những ngày cuối năm bắt đầu thấp thoáng sắc đào phai hai bên đường, đây đó từng tốp chị em người Mông gùi trên vai những bó lá dong xanh mướt về gói bánh chưng đón Tết cổ truyền.

Tết Kỷ Sửu đã cận kề, đường lên Tây Bắc những ngày cuối năm bắt đầu thấp thoáng sắc đào phai hai bên đường, đây đó từng tốp chị em người Mông gùi trên vai những bó lá dong xanh mướt về gói bánh chưng đón Tết cổ truyền.

Nhưng ở trong những khoảng trời bao la, đất rừng hùng vĩ ấy, vẫn có những người thợ không nghỉ, ngày đêm nối dài dòng điện, đem ánh sáng về những bản làng vùng cao. Đó là những công nhân quản lý, vận hành lưới điện cao thế 110kV.
Có lẽ trong số những công nhân ngành điện, vất vả nhất, trách nhiệm lớn lao nhất và thành tích cũng “âm thầm” nhất lại thuộc về những “người lính” đường dây.
 
Khẳng định một chủ trương đúng
 
Với nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý vận hành và khai thác lưới điện 110kV của toàn Công ty Điện lực 1, phục vụ công tác kinh doanh điện năng, xí nghiệp Điện cao thế miền Bắc đang quản lý 105 trạm biến áp có tổng công suất gần 4.500MVA và trên 4.673km đường dây 110kV trên địa bàn 24 tỉnh miền Bắc.

Thực tế qua 3 năm hoạt động theo mô hình mới, bước đầu xí nghiệp đã chứng minh được tính ưu việt và hiệu quả của chủ trương chuyển đổi quản lý vận hành lưới điện 110kV từ các điện lực về xí nghiệp. Đó là thời gian khắc phục sự cố nhanh, suất sự cố giảm, tiết kiệm chi phí, phát huy hiệu quả các nguồn lực cũng như ngăn chặn nhiều điểm phát sinh vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp...

So với công nhân truyền tải điện quốc gia lưới điện 220-500kV, những “người lính” 110kV có đặc thù quản lý vận hành lưới điện trong điều kiện khó khăn nhất là dân sinh sống và canh tác trong khu vực đường dây. Thực tế này đòi hỏi Xí nghiệp phải vận động người dân lợp nhà bằng vật liệu không cháy, lắp chụp cột, bổ sung cột để nâng khoảng cách pha, đất, do vậy số vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp đã giảm hàng chục vụ sau mỗi năm. Riêng năm 2007, giảm được 160 vụ vi phạm so với năm 2006; đồng thời xử lý được một số vụ khiếu kiện kéo dài nhiều năm không giải quyết được.

Bên cạnh đó, với nguồn vốn sửa chữa hàng năm còn hạn chế, xí nghiệp đã giao chỉ tiêu cho các đơn vị theo tiêu chí bảo đảm tính công bằng, sử dụng hợp lý, hiệu quả nhằm mục đích cuối cùng là quản lý vận hành an toàn lưới điện 110kV các tỉnh miền Bắc.


Công tác sửa chữa tập trung vào các hạng mục chủ yếu như: thay các khoảng dây dẫn, bổ sung tiếp địa đường dây, xử lý các khoảng vi phạm hành lang an toàn đường dây, kè chống sạt lở một số vị trí móng cột, thay một số máy cắt được sản xuất từ những năm 60 bằng các máy cắt công nghệ hiện đại, thay thế hệ thống điều khiển, bảo vệ, thay cách điện đã có thời gian vận hành lâu năm...

Cùng với đó, việc quản lý tốt hệ thống đo đếm và tiết kiệm điện tự dùng cũng đã góp phần làm giảm tổn thất trên lưới 110kV của xí nghiệp.

Khó khăn nhiều hơn thuận lợi
 
Tuy nhiên, do lưới điện xí nghiệp quản lý trải rộng trên nhiều địa hình phức tạp, chủng loại thiết bị đa dạng, trong đó nhiều thiết bị, đường dây sau thời gian vận hành trên 30 năm đã xuống cấp; các thiết bị đang vận hành trên lưới điện có rất nhiều đường dây tiết diện nhỏ hơn 150mm2; nhiều máy biến áp có tuổi thọ trên 25 năm; nhiều máy cắt dầu của Liên Xô và Trung Quốc vẫn phải vận hành trong khi kinh phí sửa chữa, cải tạo lưới điện chưa đáp ứng được nên nguy cơ sự cố vẫn còn tiềm ẩn.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng phụ tải của các tỉnh miền Bắc ngày càng lớn dẫn đến nhiều máy biến áp và đường dây trở lên quá tải làm cho công tác quản lý vận hành phức tạp và khó khăn hơn.


Quản đốc Phân xưởng quản lý vận hành 110kV Yên Bái Lò Văn Chiêm bày tỏ:
“Có một thực tế là các địa phương khi cấp đất để xây dựng khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái, nhà cửa của dân đã cấp vào cả hành lang bảo vệ an toàn lưới điện đang vận hành dẫn đến phát sinh nhiều điểm vi phạm hành lang mới. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm lại thuộc về chính quyền địa phương”.

Lấy ví dụ, một số tỉnh mới chia tách như Lai Châu, Điện Biên do chưa có quy hoạch đường giao thông nên khi mở đường lại vướng vào cột điện cao thế phải di chuyển, gây tốn kém cho địa phương và làm gián đoạn tình hình cấp điện trong khu vực.

Theo ông Bạc Cầm Dũng, quản đốc Phân xưởng quản lý vận hành 110kV Lai Châu, kết cấu lưới điện 110kV hiện nay do xí nghiệp quản lý vận hành thiếu chặt chẽ, đặc biệt là khu vực biên giới phía Bắc bị chia tách bởi lưới điện nhận từ Trung Quốc. Hơn nữa, do hệ thống điện thiếu nguồn nên một số đường dây có thời gian vận hành đã lâu bị quá tải cục bộ dẫn tới nguy cơ đứt dây, tụt lèo...

Không những thế, một số khu vực như Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, thành phố Lào Cai... chỉ được cung cấp điện duy nhất từ một trạm biến áp hoặc một đường dây độc đạo 110kV nên khi xảy ra sự cố hoặc phải sửa chữa thiết bị sẽ gây mất điện cả một tỉnh hoặc thị xã.

Hiện toàn xí nghiệp có trên 10 máy biến áp thường xuyên bị quá tải như Lục Ngạn, Chiêm Hóa... và 7 đường dây quá tải như Đông Anh-Bắc Ninh, Thái Nguyên-Thác Bà, Phả Lại-Bắc Ninh, Đồi Cốc-Đồng Mỏ, Bắc Giang-Đình Trám...

Dự kiến trong năm 2009, tình hình quá tải các máy biến áp và các đường dây còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến an toàn trong cung cấp điện.

Nhằm đảm bảo khả năng cấp điện an toàn, liên tục của hệ thống lưới điện 110kV, năm 2009, công ty Điện lực 1 đã bố trí khoảng 300 tỷ đồng cho xí nghiệp sửa chữa, cải tạo và nâng cấp lưới điện trong phạm vi quản lý. Trên cơ sở này, xí nghiệp sẽ làm việc với các điện lực để nắm được tình hình phát triển phụ tải, làm cơ sở lập dự án đầu tư nâng công suất các trạm 110kV phù hợp với thực tế và quy hoạch phát triển của khu vực; nâng cao khả năng truyền tải đường dây...

Đồng thời, xí nghiệp còn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đấu nối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong khu vực sẽ đóng điện trong năm tới như Nậm Mở, Nậm Đông, Hố Bốn, Séo Chông Hô... góp phần bổ sung cho lưới điện quốc gia hàng chục MW điện quý giá, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục