Ngày 30/5, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Cơ quan liên hiệp quốc về bình đẳng giới (UN Woman) tổ chức lễ giới thiệu bài giảng nhạy cảm giới dành cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 70.000-80.000 người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó số phụ nữ chiếm khoảng 35%. Số lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao mức sống gia đình, phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền lợi đối với người lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài chưa được coi trọng, trong khi đó đây lại là tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhất.
Nội dung các bài giảng tập trung vào việc chuẩn bị cho phụ nữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài biết những kiến thức, kỹ năng để ứng phó, giải quyết các vấn đề về giới trong thực tiễn. Cung cấp các thông tin về những kênh hỗ trợ khi cần thiết ở trong nước và nước ngoài.
Ông Đào Công Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biêt: “Các bài giảng này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của lao động nữ về vấn đề nhạy cảm giới trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài, qua đó họ biết cách bảo vệ quyền và lợi ích của mình tốt hơn. Hiện bộ bài giảng này đã được vào giảng dạy thí điểm tại một số doanh nghiệp cho hơn 200 lao động và nhận được phản hồi tích cực từ phía người lao động.”
Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện văn phòng cơ quan Liên hiệp quốc UN Wonmen tại Việt Nam nhấn mạnh, đa phần lao động nữ đi xuất khẩu lao động đều có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế về kiến thức giới. Bản thân phụ nữ khi đi làm việc ở nước ngoài thường phải làm việc trong một môi trường khép kín hoặc các công việc liên quan tới giúp việc gia đình, chăm sóc người già… nên nguy cơ đối mặt với bạo lực, lạm dụng thể xác, tinh thần là rất lớn. Chính vì vậy, việc giảng dạy cho họ về vấn đề nhạy cảm giới là điều hết sức cần thiết./.