Giáo dục cần đổi mới căn bản từ cách nghĩ đến làm

Theo PGS-TS Lê Văn Học, để tạo chuyển biến căn bản, đột phá về chất lượng, giáo dục cần tiến hành đổi mới căn bản từ nghĩ đến làm.
Ngày 21/9, gần 100 đại biểu là những nhà quản lý và chuyên gia hàng đầu trong ngành giáo dục Việt Nam đã dự Hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam" tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Hội thảo nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến về giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong 14 báo cáo tham luận trình bày tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay với những thành tựu đạt được, nhưng đồng thời qua đó cũng nhận diện những khó khăn, hạn chế, bất cập còn tồn tại; nguyên nhân của các thành tựu và hạn chế, yếu kém; đưa ra những phương hướng giải pháp đổi mới toàn diện ngành giáo dục.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam cần chú trọng tới chất lượng giáo dục và đào tạo; nhận thức về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Đại hội XI của Đảng…

Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết từ năm 1945 đến nay Việt Nam đã tiến hành ba lần cải cách và một lần đổi mới giáo dục. Đến nay giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Tuy nhiên giáo dục Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như chất lượng giáo dục đào tạo còn thấp; mục tiêu, chương trình đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội; kiến thức cơ bản, kỹ năng thực hành, khả năng tự học và sáng tạo của học sinh sinh viên còn kém…

Do đó, để tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá về chất lượng và hiệu quả trong giáo dục, đào tạo, ngành cần tiến hành đổi mới căn bản từ cách nghĩ đến cách làm giáo dục. Nghĩa là phải đổi mới từ tư duy đến mô hình, hệ thống tổ chức giáo dục cũng như triết lý của nền giáo dục dạy người và làm người.

Theo giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, việc xác định đúng mục tiêu giáo dục để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục cũng rất quan trọng. Ông nhấn mạnh, mục tiêu giáo dục mới tất yếu dẫn đến quan niệm mới về định hướng phát triển của giáo dục nước nhà. Theo đó, nền giáo dục Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới phải là một nền giáo dục thực học và dân chủ./.

Nguyễn Dũng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục