Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các cuộc giao tranh tại Sudan từ giữa tháng 4 đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 459 người và khiến hơn 4.000 người bị thương.
WHO lo ngại các con số sẽ còn tăng lên do dịch bệnh bùng phát và thiếu nhu yếu phẩm cùng các trang thiết bị y tế cứu chữa cần thiết trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn hiện nay.
Phát biểu họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hiện chỉ có 16% số cơ sở y tế tại thủ đô Khartoum còn hoạt động.
WHO ước tính rằng có khoảng 25% số người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại Sudan lẽ ra có thể đã sống sót nếu được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản.
Tổng Giám đốc WHO cho biết cơ quan này đang đánh giá mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng sau khi các tay súng ở Sudan chiếm một phòng thí nghiệm quốc gia lưu giữ những mẫu bệnh phẩm gây chết người.
Ông bày tỏ lo ngại rằng những người chiếm giữ phòng thí nghiệm có thể vô tình tiếp xúc với mầm bệnh được lưu trữ ở đó. WHO đang tìm kiếm thêm thông tin và tiến hành đánh giá rủi ro.”
Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ do Mỹ làm trung gian đang có nguy cơ đổ vỡ do quân đội Sudan tiến hành những hoạt động không kích mới nhằm vào Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) ở thủ đô Khartoum vào cuối ngày 25/4.
Ngoài gây thương vong lớn về người, giao tranh trong vùng đô thị kéo dài gần 2 tuần đã kéo theo làn sóng di cư ồ ạt của người nước ngoài, trong khi Liên hợp quốc cảnh báo một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ mới có thể đang diễn ra.
Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO Michael Ryan nhấn mạnh mối đe dọa chính đối với người dân ở quốc gia Đông Bắc Phi vào lúc này là giao tranh, bao gồm nhiều cuộc tấn công vào các cơ sở và đội ngũ nhân viên y tế.
Ngoài ra, việc thiếu nước sạch, vaccine cũng như các vấn đề về vệ sinh cũng là những mối lo hàng đầu.
Hiện Liên hợp quốc và các đối tác cố gắng hỗ trợ cả người dân Sudan. Ông Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, cho biết các cơ quan Liên hợp quốc và đối tác tại Sudan cố gắng hỗ trợ những người gặp khó khăn trong nước, trong khi các tổ chức thế giới chuẩn bị cho dòng người tị nạn đổ sang các nước khác trong khu vực, bao gồm Cộng hòa Trung Phi, Chad, Ai Cập, Ethiopia và Nam Sudan.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính khoảng 270.000 người có thể chạy sang Nam Sudan và Chad.
UNHCR kêu gọi tất cả các quốc gia láng giềng Sudan tiếp nhận người dân chạy trốn xung đột.
[Cuộc chiến Sudan có thể gây ra nỗi thống khổ "xuyên biên giới"]
Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về trẻ em và xung đột vũ trang, Virginia Gamba, và đại diện đặc biệt về bạo lực đối với trẻ em, Najat Maalla M'jid, đã đưa ra một tuyên bố chung về cuộc xung đột.
Hai quan chức này báo động về số lượng dân thường thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc chiến, bao gồm cả trẻ em, và các cuộc tấn công nhằm vào bệnh viện cũng như hành động từ chối viện trợ nhân đạo cho người dân đang rất cần thực phẩm, nước và các hàng hóa thiết yếu khác.
Theo ông Guterres, Sudan giáp với 7 quốc gia và tất cả các nước này đều đang trải qua xung đột hoặc chứng kiến tình trạng bất ổn dân sự nghiêm trọng trong thập kỷ qua.
Ngoài ra, đây cũng là cửa ngõ vào Sahel - nơi tình trạng mất an ninh và bất ổn chính trị đang khiến tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc càng trở nên tồi tệ hơn.
Do đó, cuộc đấu tranh quyền lực ở Sudan không chỉ khiến tương lai của đất nước này gặp rủi ro, mà còn có thể châm ngòi nổ xuyên biên giới, gây ra nỗi thống khổ cho người dân trong nhiều năm và khiến sự phát triển bị thụt lùi trong nhiều thập kỷ./.