Sudan: Giao tranh và di chuyển quân vẫn tiếp tục diễn ra

Người phát ngôn Lực lượng vũ trang Sudan đã cáo buộc lực lượng bán quân sự RSF vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mới kéo dài 3 ngày do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian.
Sudan: Giao tranh và di chuyển quân vẫn tiếp tục diễn ra ảnh 1Khói bốc lên gần khu vực sân bay ở thủ đô Khartoum khi giao tranh tiếp diễn giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RSF. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Sudan Volker Perthes đánh giá lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian ở quốc gia Đông Bắc Phi này "dường như vẫn được duy trì ở một số khu vực," nhưng không có dấu hiệu cho thấy các bên tham chiến sẵn sàng đàm phán nghiêm túc, chứng tỏ cả hai bên đều cho rằng sẽ có khả năng giành chiến thắng quân sự trước bên còn lại.

Phát biểu trực tuyến tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 25/4, ông Volker Perthes nhấn mạnh: "Đó là tính toán sai lầm." Ông cũng cho biết đã nhận được những báo cáo về việc giao tranh và di chuyển quân vẫn tiếp tục diễn ra.

Ngày 25/4, người phát ngôn Lực lượng vũ trang Sudan, Chuẩn tướng Nabil Abdullah, đã cáo buộc lực lượng bán quân sự RSF đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mới kéo dài 3 ngày do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian, chỉ chưa đầy nửa giờ sau khi thỏa thuận này có hiệu lực trong ngày 24/4.

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với báo Ahram Online của Ai Cập, ông Abdullah cho biết Lực lượng vũ trang Sudan đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn để làm giảm bớt khủng hoảng nhân đạo tại Sudan sau 10 ngày giao tranh, đồng thời nhấn mạnh thỏa thuận này phụ thuộc vào việc RSF tuân thủ những điều kiện đặt ra trong thỏa thuận.

Ông Abdullah nói thêm lệnh ngừng bắn yêu cầu các bên ngừng tất cả hoạt động quân sự, không tấn công dân thường và cướp bóc tài sản, không đưa binh sỹ đồn trú trong khu dân cư và chấm dứt việc sử dụng dân thường làm "lá chắn sống."

Tuy nhiên, ông Abdullah tuyên bố RSF đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 3 ngày khi lực lượng bán quân sự này tiếp tục hoạt động quân sự bên trong và bên ngoài các khu dân cư.

Theo ông Abdullah, RSF đã tận dụng thỏa thuận ngừng bắn để triển khai các đoàn xe quân sự từ bên ngoài thủ đô Khartoum để chở quân tiếp viện và vận chuyển đạn dược.

Ông cũng lưu ý "RSF cũng đã tấn công trụ sở của một số cơ quan đại diện ngoại giao ở Khartoum và triển khai lực lượng gần trụ sở của các phái đoàn ngoại giao."

Người phát ngôn Lực lượng vũ trang Sudan khẳng định quân đội Sudan sẵn sàng đối phó với bất kỳ hậu quả quân sự nào có thể phát sinh từ những vi phạm này, đồng thời khẳng định hoàn toàn có thể kiểm soát tình hình, áp dụng chiến lược phòng thủ được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của RSF và hạn chế khả năng chiến đấu của lực lượng này bằng cách cắt đứt các tuyến đường tiếp tế.

Nhận xét về những nỗ lực gần đây của cộng đồng quốc tế và các quốc gia trong khu vực nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn lâu dài và chấm dứt xung động quân sự, ông Abdullah nêu rõ: "Thật khó để ấn định ngày kết thúc xung đột vì giao tranh vũ trang diễn ra ở một thủ đô đông dân, trong khi chúng tôi muốn đảm bảo an toàn cho các cơ sở trọng yếu."

[Nguy cơ xảy ra thảm họa sinh học từ phòng thí nghiệm y tế Sudan]

Trươc đó, ngày 24/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các phe phái đối địch ở Sudan đã đồng ý thực hiện lệnh ngừng bắn trên toàn quốc trong 72 giờ.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ sau 48 giờ đàm phán căng thẳng, Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã nhất trí thực hiện ngừng bắn trong 72 giờ, bắt đầu từ nửa đêm 24/4 (giờ địa phương).

Ông Blinken kêu gọi các bên ở Sudan ngay lập tức tuân thủ và duy trì lệnh ngừng bắn này.

RSF cùng ngày xác nhận lực lượng này đã đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian để tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo trong thời gian đình chiến.

Thỏa thuận trên đạt được trong bối cảnh giao tranh tại Sudan đã bước sang tuần thứ hai liên tiếp. Trước đó, cùng ngày 24/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang tại quốc gia Bắc Phi có thể “nhấn chìm toàn bộ khu vực.”

Trong khi đó, nhiều quốc gia trong đó có Anh, Italy và Trung Quốc tiếp tục thông báo các nỗ lực sơ tán công dân khỏi Sudan, nơi giao tranh trong các đô thị kéo dài 10 ngày qua đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Theo AFP, ngày 25/4, Anh cho biết nước này đã tiến hành các chuyến bay sơ tán công dân bị mắc kẹt ở Sudan, nơi giao tranh trong các đô thị kéo dài 10 ngày qua đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Anh có đoạn: "Các chuyến bay quân sự của Anh dự kiến sẽ khởi hành từ một sân bay bên ngoài Khartoum. Các chuyến bay này phục vụ những người có hộ chiếu Anh và ưu tiên sẽ được dành cho các gia đình có trẻ em và/hoặc người già hay cá nhân cần chăm sóc y tế."

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng thông báo hầu hết công dân nước này ở Sudan đã được sơ tán an toàn theo nhóm đến các cửa khẩu biên giới của các nước láng giềng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục