Dịch tả tại khu vực miền Nam châu Phi đang trở nên đáng báo động với các nước Zambia, Zimbabwe và Malawi trở thành tâm điểm của đợt bùng phát nguy hiểm nhất ở châu lục trong ít nhất một thập kỷ này, nhất là trong bối cảnh kho dự trữ vaccine phòng tả toàn cầu đã cạn kiệt.
Báo cáo mới nhất của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi (AFRO) cho biết dịch tả bùng phát ở châu lục đã ảnh hưởng đến 18 quốc gia trong hai năm qua.
Sáu quốc gia được phân loại là đang trong tình trạng khủng hoảng nguy cấp, trong đó phần lớn đều ở khu vực miền Nam bao gồm Comoros, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Mozambique, Zambia và Zimbabwe, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh hằng tuần ở Zambia và Zimbabwe đã giảm liên tục.
Theo WHO, khu vực phía Nam của lục địa, hiện trong mùa mưa, đang chứng kiến các đợt dịch tả bùng phát trở lại. Lượng mưa lớn kéo theo lũ lụt và lở đất ở các cộng đồng dân cư. Điều này làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở những quốc gia chưa báo cáo ca nhiễm mới.
Số liệu AFRO cho thấy, kể từ đầu năm nay, số ca mắc bệnh tả và tử vong được báo cáo đến hết tháng 3 lần lượt là 62.175 và 1.232, với tỷ lệ ca tử vong là 2%. Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Mozambique, Zambia và Zimbabwe chiếm 94,6% (58.802) tổng số ca mắc và 95,7% (1.179) tổng số ca tử vong.
Riêng tại Zambia, quốc gia miền Nam châu Phi đang bị tàn phá trong đợt bùng phát tồi tệ nhất từ trước đến nay, ghi nhận hơn 740 ca tử vong do bệnh tả từ khi bắt đầu mùa mưa từ tháng 10/2023.
Tả là căn bệnh do vi khuẩn rất dễ lây lan có thể gây tiêu chảy nặng và mất nước trong vòng vài giờ sau khi bị nhiễm. Khi người mắc bệnh được điều trị nhanh chóng, tỷ lệ tử vong sẽ là dưới 1%. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở Zambia, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, hiện đã lên tới hơn 3%.
Tình hình ở Mozambique đang diễn biến theo chiều hướng xấu, với các dự báo cho thấy số ca nhiễm sẽ tăng mạnh.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), sự gia tăng tần suất, số lượng và phạm vi bùng phát dịch tả tại khu vực miền Nam châu Phi trở nên trầm trọng hơn một phần do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, làm giảm khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh, đồng thời kéo theo việc di dân.
Theo nhà dịch tễ học Yap Boum, người đứng đầu Viện Pasteur Bangui - một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Cộng hòa Trung Phi, có rất nhiều lý do khiến dịch tả đồng thời bùng phát ở nhiều quốc gia phía Nam châu Phi.
Ông giải thích: “Dịch tả là dấu hiệu của sự bất bình đẳng, chủ yếu ảnh hưởng đến các quốc gia có xung đột, mất an ninh và nghèo đói." Những yếu tố đó đều hiện diện ở mỗi quốc gia châu Phi hiện đang phải chiến đấu với dịch tả bùng phát.
Một yếu tố khác là biến đổi khí hậu. Chuyên gia quản lý nước Anja du Plessis, Phó Giáo sư tại Đại học Nam Phi, cho biết lũ lụt ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn liên quan đến biến đổi khí hậu cũng có tác động đến sự bùng phát dịch tả. Theo chuyên gia này, lũ lụt dẫn đến nhiều dòng chảy chứa nhiều mầm bệnh hơn, làm tăng nguy cơ ô nhiễm.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia y tế đang cảnh báo kho dự trữ vaccine dịch tả duy nhất hiện có đang trống rỗng khi nhu cầu tăng cao. Hiện chỉ có một nhà sản xuất có trụ sở tại Hàn Quốc sản xuất vaccine phòng bệnh tả bằng đường uống.
Theo Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF), hiện năng lực sản xuất là 700.000 liều vaccine mỗi tuần, nhưng nhu cầu thực tế lớn gấp 4 lần.
Nhằm nỗ lực bảo toàn nguồn dự trữ, từ tháng 10/2022, Nhóm Điều phối Quốc tế (ICG) đã khuyến nghị về việc cung cấp vaccine tả, theo đó thay thế phác đồ hai liều lâu dài bằng một liều vaccine tả duy nhất.
Theo bà Edina Amponsah-Dacosta, chuyên gia về vaccine của tổ chức mang tên "Sáng kiến Vaccine cho châu Phi" có trụ sở tại Đại học Cape Town (Nam Phi), không giống như tiêm chủng thông thường cho trẻ em, vaccine tả được sản xuất trên “cơ sở nhu cầu thực tế."
Bà cho biết: “Chúng ta có xu hướng sử dụng vaccine phòng tả cho các chương trình tiêm chủng hàng loạt bất cứ khi nào dịch xuất hiện để kiểm soát sự bùng phát của bệnh. Điều đó có nghĩa là chúng ta có xu hướng sản xuất một số lượng hạn chế cho một số quốc gia hạn chế."
Thập kỷ qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng vaccine phòng tả được sản xuất, từ khoảng 2 triệu liều vào năm 2013 - thời điểm kho dự trữ dịch tả được thiết lập, lên 36 triệu liều vào năm 2022. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ để theo kịp sự gia tăng chưa từng thấy hiện nay về số ca mắc bệnh tả toàn cầu.
Năm 2022, công ty Biovac có trụ sở tại Nam Phi đã ký hợp đồng cấp phép sản xuất vaccine phòng bệnh tả bằng đường uống. Tuy nhiên, vaccine của Biovac không thể được sử dụng để ngăn chặn các đợt bùng phát hiện tại vì việc sản xuất dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2026.
Các chuyên gia y tế và dịch tễ học đều cảnh báo vaccine sẽ không bao giờ là "viên đạn bạc" giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh tả ở miền Nam châu Phi. Đúng hơn, vaccine chỉ là một trong nhiều công cụ giúp phòng ngừa bệnh tật. Những vấn đề khác bao gồm tuyên truyền để người dân có ý thức thực hành vệ sinh tốt như rửa tay, uống nước sôi, đảm bảo nguồn nước an toàn và đáng tin cậy, đồng thời tăng cường kiểm tra và giám sát chất lượng nước./.
WHO triển khai chiến dịch xét nghiệm bệnh tả quy mô lớn trên toàn cầu
WHO ra tuyên bố cho biết tổng cộng hơn 1,2 triệu bộ xét nghiệm bệnh tả sẽ được phân phối cho 14 quốc gia có nguy cơ cao trong những tháng tới.