Đã là lần thứ 2 Hà Nội tham gia tắt điện để hưởng ứng chiến dịch “Giờ Trái đất,” nhưng không khí của cả Thủ đô vẫn náo nhiệt lạ kỳ.
Lung linh đêm “mất điện”
Hôm nay (27/3) khác với những buổi tối thứ 7 hàng tuần khác, Hayder, cậu sinh viên người Iraq, mạnh dạn xin cô giáo dạy tiếng Việt nghỉ học.
Lý do khiến cậu “liều” xin cô giáo khó tính của mình bởi “chưa bao giờ được thử cảm giác hòa vào dòng người khi phố xá tắt điện.” “Hẳn sẽ là một đêm đáng nhớ,” cậu sinh viên năm cuối trường Đại học Hà Nội hào hứng cười tít mắt.
8 giờ tối, một số cửa hàng tại hồ Ngọc Khánh và những tuyến phố quanh Hồ Gươm đã tiên phong tắt hệ thống đèn trang trí và sử dụng nến. Một số quán cafe còn làm điệu với những chiếc đèn lồng đủ màu sắc.
Mọi nẻo đường đổ về khu trung tâm Hồ Gươm thời điểm nửa tiếng trước giờ G ngày một gấp gáp. Khu vực quanh hồ lúc này dần “nghẽn” người đi bộ. Thấp thoáng trong dòng người nơi đây, chúng tôi thấy không ít những ngọn nến nhỏ đã bập bùng cháy.
Hăm hở “trang bị” cho mình 2 chiếc que phát sáng, Hayder háo hức len bước trong dòng người đang ngày một đông. Hayder tâm sự rằng, cảm giác này có phần giống với đêm Giao thừa của người Việt Nam mà cậu vừa được trải nghiệm cách đây vài tháng.
“May mà mình quyết nghỉ học để được tận hưởng cảm giác này, nếu không thì chắc ân hận lắm,” Hayder nói.
Đúng 20 giờ 30 phút,
khu vực Bờ Hồ phụt tắt trong tiếng hò reo của đông đảo mọi người. Phần lớn các cửa hàng tại đây cũng tham gia tắt điện khiến Hồ Gươm lúc này chìm trong bóng tối.
Điện tắt cũng là lúc đoàn người thực sự bắt đầu “hành quân.” Dòng người ùn ùn túa ra từ khắp các ngả đường khiến con đường Lý Thái Tổ kẹt cứng. Con đường xung quanh hồ cũng chật kín từng tốp bạn trẻ tay cầm nến và que phát sáng.
Nguyễn Thu Trang, sinh viên trường Đại học Mở, cùng mấy người bạn đã trực sẵn tại khu vực Nhà hát Lớn từ chập tối chỉ để mong chờ giây phút ngắm Hà Nội chìm trong bóng tối này.
“Hà Nội tắt điện nhưng em có cảm giác như còn lung linh hơn cả bình thường,” Trang hồ hởi nói.
Bé Nhật Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) tối nay cũng theo bố mẹ đi ngắm Hà Nội “mất điện.” Tay cầm chiếc đèn Trung thu lũn cũn chạy theo bố, Minh khanh khách cười: “Cháu thích Hà Nội tối thế này lắm.”
Khu vực khách sạn InterContinental Westlake, nơi diễn ra sự kiện chính tại Hà Nội, lúc này cũng rực rỡ với hàng trăm ngọn nến. Trong ánh nến bập bùng hòa cùng tiếng vĩ cầm du dương, biểu tượng vỏ trái đất xù xì được lột bỏ. Thay vào đó, hình ảnh trái đất xanh tươi dần dần hiện lên.
Khi ánh đèn phụt tắt, 1000 chiếc đèn hoa đăng bắt đầu được đưa xuống những chiếc thuyền đã chuẩn bị sẵn. Ánh nến lung linh bập bềnh trên mặt nước khiến cả khu vực Hồ Tây bỗng đẹp huyền ảo.
“Cần nhiều Giờ Trái đất hơn nữa”
Để
cho chương trình Giờ Trái Đất năm nay, hàng trăm tình nguyện viên đã có mặt tại nơi tổ chức từ 5 giờ chiều.
Với Ngọc Hiếu, tình nguyện viên trường Đại học Lao động và Xã hội (Hà Nội), đây là lần đầu tiên Hiếu được tham dự sự kiện đặc biệt này. Năm ngoái, Hiếu cũng đã hăm hở đăng ký nhưng vì nộp đơn đăng ký muộn nên đành ngậm ngùi ở nhà.
“Cảm giác thật là khó tả. Mình mong ngày càng có nhiều người ủng hộ hoạt động đầy ý nghĩa này,” Hiếu tâm sự.
Hai vợ chồng bác Nguyễn Tiến Tuyển tối nay cũng quyết định ra hồ Tây ngắm đèn hoa đăng. Bác Tuyển tâm sự rằng, nhà bác thậm chí còn tắt mọi thiết bị điện từ lúc chập tối để hưởng ứng sự kiện này.
“Tôi mong sẽ có thêm nhiều sự kiện ý nghĩa như hôm nay để mọi người tự giác hơn trong việc sử dụng và tiết kiệm năng lượng. Không chỉ một buổi tối mà cả 365 ngày trong năm phải là Giờ Trái đất thì mới hy vọng bật tương lai,” bác Tuyển bộc bạch.
Vỡ òa trong tiếng hò reo của đám đông, lẫn những lời ca của nhóm bạn, Thanh Hằng xúc động nói lớn: “Đây là một buổi tối đáng nhớ. Hành động tắt điện trong một giờ chỉ mang tính tượng trưng. Quan trọng là mọi người phải nhận thức được ý nghĩa sâu sa của sự kiện này.”
Với Hằng và nhóm bạn, họ sẽ mang trong tâm trí mình một khoảnh khắc không thể nào quên. Đó là khoảnh khắc
tay nối tay cùng nhau chống lại biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính chỉ bằng một hành động đơn giản: Tắt đèn, bật tương lai./.