Giới chuyên gia khẳng định RCEP tạo động lực cho hợp tác khu vực

Các chuyên gia nhận định RCEP mang tính bao trùm và phản ánh chủ nghĩa đa phương; việc ký kết RCEP cho thấy trọng tâm kinh tế toàn cầu được chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha (trái) và Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit (phải) tại lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 15/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha (trái) và Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit (phải) tại lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 15/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ra đời trong bối cảnh thế giới đang chìm trong tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và chống toàn cầu hóa, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được cho là tạo ra sự tin tưởng mới về toàn cầu hòa kinh tế.

Đây là khẳng định được giới chuyên gia đưa ra tại "Diễn đàn về RCEP: Triển vọng và tác động,” diễn ra ngày 19/4, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA).

Phát biểu tại diễn đàn, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Long Vĩnh Đồ khẳng định việc ký kết RCEP mang đến một thông điệp cho châu Á và thế giới rằng toàn cầu hóa vẫn rất hứa hẹn, cũng như không thể ngăn cản được xu hướng toàn cầu hóa kinh tế.

Theo ông, việc ký kết RCEP cho thấy trọng tâm kinh tế toàn cầu được chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

[Trung Quốc và Hàn Quốc nhấn mạnh vai trò hợp tác đa phương]

Đồng quan điểm trên, ông Trịnh Vĩnh Niên,Viện trưởng Viện nghiên cứu cao cấp về toàn cầu và Trung Quốc đương đại thuộc Đại học Trung văn Hong Kong (Thâm Quyến) cho rằng RCEP là bước đầu tiên trong việc thể chế hóa kinh tế và thương mại ở châu Á và là kết quả tự nhiên của việc chuyển dịch trung tâm kinh tế thế giới sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì RCEP mang tính bao trùm và phản ánh chủ nghĩa đa phương.

Trong khi đó, bà Isabelle Durant, quyền Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, khẳng định các nền kinh tế Đông Á rất năng động và RCEP sẽ nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.

RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới khi bao trùm một thị trường khổng lồ, gồm 2,27 tỷ dân, tổng sản phẩm GDP là 26.000 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu là 5.200 tỷ USD.

Trung Quốc đã hoàn tất tiến trình thông qua RCEP vào ngày 15/4. Các nước thành viên RCEP đặt mục tiêu hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022/.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục