Giúp trẻ khó khăn tiếp cận định hướng nghề nghiệp

"Mô hình giáo dục hòa nhập học sinh THCS có khó khăn" nhằm tăng cơ hội cho học sinh khó khăn được tham gia học hòa nhập ở bậc THCS.
Hội thảo "Mô hình giáo dục hòa nhập học sinh trung học cơ sở có khó khăn" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tổ chức Cứu trợ và Phát triển CRS (Mỹ) tổ chức đã diễn ra ngày 28/6, tại Hà Nội.

Đây là mô hình thử nghiệm đầu tiên thực hiện ở Việt Nam nhằm tăng cường cơ hội và điều kiện cho học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh yếu kém tham gia học hòa nhập ở bậc trung học cơ sở. Mô hình được triển khai thí điểm ở hai tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam với chín trường thí điểm và các kết quả mô hình đang được mở rộng thí điểm trên phạm vi toàn quốc.

Mô hình giáo dục hòa nhập học sinh trung học cơ sở có khó khăn tập trung chính vào bốn nhóm thành phần là tăng cường năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng; chuẩn bị các điều kiện cho học sinh khuyết tật vào học hòa nhập; hỗ trợ đặc biệt; quản lý, chính sách, xã hội hóa.

Mỗi trường thí điểm được thiết lập và thực hiện các mảng hoạt động xây dựng môi trường hòa nhập toàn diện từ nâng cao nhận thức, tăng cường kỹ năng, năng lực tới việc tạo môi trường vật chất tiếp cận hòa nhập cho học sinh khuyết tật.

Quan trọng nhất là việc dạy học sinh khuyết tật tại các trường trung học cơ sở thí điểm đã được tổ chức phù hợp, điều chỉnh theo khả năng và nhu cầu của học sinh có khó khăn. Các trường đều có "phòng hỗ trợ" để tạo môi trường hòa nhập và cơ sở để thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho nhóm đối tượng của nghiên cứu.

Tại chín trường thí điểm, đã có trên 4.000 học sinh được hưởng tác động tích cực từ dự án như các em đã có không gian tiếp cận giáo dục hòa nhập với đường xe lăn dành cho học sinh có khó khăn vận động, biển báo chỉ dẫn, nền "phòng hỗ trợ đặc biệt" được san phẳng tạo sự thân thiện, tiện ích trong giao tiếp và hoạt động.

Hơn 760 lượt cán bộ và giáo viên được tập huấn bồi dưỡng về nhận thức, kiến thức và kỹ năng dạy học hòa nhập; hình thành đội ngũ nòng cốt với số lượng 85 nhóm tại hai tỉnh triển khai thí điểm gồm cộng đồng, phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên môn học, giáo viên cốt cán cấp huyện, nhóm tình nguyện...

Đặc biệt, khi triển khai mô hình, các chuyên gia của chương trình đã hình thành hướng tiếp cận dạy học hòa nhập trong trường trung học cơ sở là hướng vào người học đặc biệt là học sinh có khó khăn; khung chương trình học tập đối với học sinh khuyết tật nặng; đánh giá đặc biệt đối với học sinh khuyết tật nặng.

Trước đây, giáo dục hòa nhập mới chỉ được triển khai ở cấp học mầm non và tiểu học. Việc thí điểm mô hình giáo dục hòa nhập cấp trung học cơ sở là tiền đề để thực hiện việc chuyển giao giữa các bậc học, tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật học ở các bậc cao hơn, không chỉ giúp trẻ có nhận thức, được học hành mà còn giúp trẻ có cơ hội tiếp cận hỗ trợ nghề, hướng nghiệp ngay khi học trong trường trung học cơ sở./.

N.Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục