Thị trường bất động sản hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung, trong khi phần lớn người dân đều khó tiếp cận các thông tin về quy hoạch sử dụng đất đai. Thậm chí không ít người dân, nhà đầu tư phải chịu nhiều thiệt hại trước sự dẫn dắt của “cò,” môi giới không chuyên hoặc chạy theo những cơn sốt đất...
Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng việc cấp thiết hiện nay là cần phải thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản, tạo sự chuyển biến về chất cho thị trường này.
Nguồn cung hạn chế, giao dịch “ách tắc”
Tại Hội nghị “Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam Việt Nam phối hợp với Meeyland tổ chức ngày 7/10, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực VNREA, nguyên Cục trưởng Cục Quản ký nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết thời gian qua, do tác động của dịch COVID-19, nhiều thời điểm các hoạt động đầu tư, xây dựng dự án trên cả nước đã phải tạm dừng.
Cùng với đó, quy trình, thủ tục dự án nhà ở, khu đô thị được kiểm soát chặt chẽ hơn, đặc biệt là các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị gần trung tâm; có sẵn cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; dễ làm, dễ kinh doanh hầu như đã hết nên việc phát triển các dự án mới nay phải ra ngoài vùng ven, xa trung tâm, thậm chí là ở các tỉnh lân cận... dẫn đến nguồn cung nhà ở tại khu vực đô thị trong hai năm trở lại đây rất hạn chế.
Dù vậy, ông Hà cũng lưu ý về trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có xu hướng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Lý do là tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay khoảng xấp xỉ 40%, với tốc độ đô thị hóa tăng khoảng 1%/ năm thì mỗi năm dân số đô thị tăng thêm khoảng 1 triệu người, nếu tính riêng nhà ở cho số người tăng thêm này thì hằng năm phải xây dựng từ 20-25 triệu mét vuông nhà ở.
[Quý 3/2022: Đất nền dự án, nhà riêng vắng khách, giá vẫn không giảm]
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay - theo chuyên gia Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, là phần lớn người dân đều khó tiếp cận được các thông tin về quy hoạch sử dụng đất đai tại địa phương. Mặc dù đây là yêu cầu bắt buộc đã được thể hiện trong Luật Đất đai hiện hành và các quy định pháp luật có liên quan khác, song thực tế thời gian qua cho thấy không ít người dân, nhà đầu tư đã phải chịu nhiều thiệt hại trước sự dẫn dắt của “cò,” môi giới không chuyên hoặc chạy theo những cơn “sốt” đất do thiếu thông tin chính thức.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực VNREA cũng cho biết trong chín tháng vừa qua, nguồn cung mới của thị trường bất động sản chỉ bằng khoảng 20% so với cùng thời điểm năm trước. Các sản phẩm cũng chưa thực sự phù hợp với thị trường khi nguồn cung với phân khúc cao cấp đang thừa, trong khi sản phẩm giá rẻ đáp ứng nhu cầu tìm nhà ở thực của người dân lại đang thiếu.
Bên cạnh đó, mặc dù nhu cầu nhà ở còn rất lớn nhưng thị trường bất động sản hiện cũng đang đối mặt với nhiều "điểm nghẽn," như các quy định của pháp luật và các thủ tục pháp lý còn chồng chéo khiến nhiều dự án nằm chờ chưa thể triển khai.
Đặc biệt, xu hướng mới của thị trường hiện nay là ứng dụng các công nghệ trong lĩnh vực bất động sản sẽ gia tăng. Tuy nhiên, thực tế việc ứng dụng công nghệ đối với ngành bất động sản trong thời gian qua và hiện nay vẫn còn rất thấp.
Chuyển đổi số để bất động sản “cất cánh”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực VNREA cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng và phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh bất động sản là xu hướng tất yếu mang tính sống còn.
Dẫn chứng thành công từ việc ứng dụng công nghệ trong giai đoạn 2020-2021, ông Đính cho biết thời điểm đó, thị trường gặp khó khăn bởi dịch bệnh nhưng vẫn rất sôi động, thậm chí bùng nổ mạnh hơn giai đoạn trước. Các hoạt động mở bán, giao dịch online vẫn diễn ra, nhờ có công nghệ đã tăng tính hiệu quả của thị trường. Công nghệ cũng hỗ trợ khảo sát các thông tin khách hàng từ nhu cầu đến số vốn để chủ đầu tư có thể đưa ra các sản phẩm phù hợp.
Cũng theo ông Đính, trước đây để tham gia, tìm hiểu về thị trường bất động sản cần phải có cả bộ máy, nhiều con người, nhưng nay sử dụng công nghệ thì chỉ trong tích tắc. Việc nhập dữ liệu giúp dễ dàng thu thập thông tin, tiếp cận khách hàng chuẩn xác cũng như xử lý thông tin, giao dịch, hậu mãi quản lý sau bán hàng… đều có thể ứng dụng công nghệ rất tốt.
Có chung quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản ký nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng trước yêu cầu bắt kịp với xu thế của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhu cầu về chuyển đổi số trong ngành bất động sản là rất lớn.
Vì thế, ông Hà khuyến nghị việc chuyển đổi số cho thị trường bất động sản cần tập trung vào một số lĩnh vực như: Các giải pháp công nghệ, thiết bị cho phát triển công trình xanh, thông minh; sử dụng số liệu lớn trong phân tích hiệu quả đầu tư, chăm sóc khách hàng; số hóa trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai; quản trị rủi ro trong đầu tư kinh doanh bất động sản; các ứng dụng mua, bán bất động sản…
“Có thể khẳng định rằng công nghệ số và chuyển đổi số không còn là nhu cầu, sự lựa chọn, mà là yếu tố bắt buộc để giúp doanh nghiệp bất động sản vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là cơ sở để xây dựng và phát triển thị trường bất động sản chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững,” ông Hà nói.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng nhận định chuyển đổi số, kỷ nguyên số chính là “hạt nhân” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số nhanh hay chậm thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
“Thực tế, việc chuyển đổi còn phụ thuộc vào tư duy, chính sách, kỹ năng và phần mềm. Hơn thế, chúng ta phải hiểu cuộc cách mạng này không thuần túy là công nghệ mà là cách mạng về thể chế (chính sách, cách làm, quy định…),” ông Thành nói./.