Chỉ còn vài ngày nữa mốc giới hạn ngày 1/7/2011 để các doanh nghiệp thực hiện lắp “hộp đen” theo Nghị định 91 ban hành. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp và Hiệp hội Vận tải ôtô kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cho sử dụng hộp đen không còn phù hợp với tiêu chuẩn của Bộ trong một thời gian nhất định để tránh lãng phí hoặc cho phép nâng cấp thiết bị để đạt yêu cầu vì khó thể lắp đặt theo đúng lộ trình quy định. Trong khi đó, các đơn vị được ban hành quy chuẩn hộp đen sản xuất lắp ráp trong nước đã sẵn sàng nhưng số lượng doanh nghiệp lắp đặt vẫn chiếm tỉ lệ khiêm tốn. Đạt tiêu chuẩn mới được lắp Trên thực tế, lộ trình của Nghị đinh 91 là bắt đầu từ 1/7, theo đó các doanh nghiệp muốn được cấp giấy phép kinh doanh vận tải từ các Sở Giao thông vận tải phải thỏa mãi điều kiện là có hợp đồng lắp đặt GPS và nghiệm thu GPS, vì vậy việc không lùi hạn lắp đặt GPS gây lúng túng và khó khăn cho các doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 2,5 vạn chiếc container cần lắp, giá lắp cho 1 chiếc trên xe cỡ khoảng 6 đến 7 triệu, như vậy cũng lên tới trên 100 tỷ, đó là chưa kể xe khách và các hệ thống quản lý khác. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, Hiệp hội không chỉ kiến nghị lùi xử phạt mà còn đề nghị lùi lộ trình lắp ráp và cũng cần phải có thời gian để doanh nghiệp lựa chọn thiết bị lắp ráp. “Vì vậy tôi nghĩ là không lùi lộ trình thời hạn lắp đặt là gây khó khăn cho doanh nghiệp,” ông Hùng đưa ra chính kiến. Theo ông Đào Thanh Anh, Giám đốc Công ty Điện Tử Bình Anh, đơn vị sản xuất thiết bị hộp đen đầu tiên được cấp giấy chứng nhận hợp quy vào ngày 17/6, các doanh nghiệp sản xuất đều đã sẵn sàng với GPS, giờ Bộ ban hành quy chuẩn kiểm định, đơn vị được kiểm định thì sản phẩm đạt tiêu chuẩn đã có mặt trên thị trường và đang tiến hành lắp đặt cho doanh nghiệp có nhu cầu. Số liệu thống kê của công ty Bình Anh cho thấy, hiện đơn vị này đã cung cấp gần 10.000 thiết bị ra thị trường cho một số khách hàng như Transerco, Mai Linh, Hoàng Long, Hoàng Hà, Cổ phần xe khách Hà Nội, xe khách Bắc Giang…. Trong số này có khoảng 25% thuộc diện phải lắp thiết bị hộp đen. Hiện tại, mỗi tháng công ty Bình Anh có thể sản xuất được 5.000 hộp đen hợp quy cung cấp ra thị trường trong khi nhu cầu hộp đen hợp quy cần cho cấp phép kinh doanh vận tải bình quân hàng tháng khoảng 2.000 chiếc. Đề cập đến chất lượng hộp đen, ông Thanh Anh cho hay: “Các mẫu thiết bị hộp đen được kiểm định tại Viện Đo lường và Trung tâm Kỹ thuật I qua vài chục phép thử như chịu nóng +70oC, chịu lạnh – 10oC, chịu rung xóc, va đập, độ chính xác của thời gian, các chức năng phần mềm... Nếu đạt thì mới gửi các kết quả lên Bộ Giao thông vận tải để xét cấp giấy chứng nhận hợp quy.” Ông Thanh Anh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp không nên nhầm lẫn hộp đen hợp quy và không hợp quy. “Các thiết bị không đảm bảo chất lượng sẽ làm mất lòng tin doanh nghiệp dẫn đến đào thải trên thị trường vì thương hiệu bị ảnh hưởng,” ông Thanh Anh chia sẻ. Trao đổi với ông Phạm Tuấn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dịch vụ Hải Phượng (Yên Bái) được biết, kể từ khi sử dụng, hệ thống đã giảm được nhân lực giám sát, kiểm soát thái độ phục vụ của lái xe phụ xe như đồng phục, đeo thẻ, có nhồi nhét khách hay không… “Chỉ sau hai tháng đưa vào vận hành, Công ty Hải Phượng đã khấu hao xong thiết bị,” ông Hải chia sẻ. Gỡ rối cho doanh nghiệp Hiện tại, các doanh nghiệp cũng đang lúng túng trong việc lắp đặt hộp đen bởi có đơn vị đã tiến hành lắp trước thời hạn có dấu quy chuẩn hợp quy, đồng thời các doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ không thể giám sát, quản lý được vì không đủ vốn đầu tư hệ thống giám sát. Theo ông Hùng, lắp thiết bị hộp đen là tốt, nhưng chỉ tốt đối với những doanh nghiệp lớn. Còn đối với các đơn vị kinh doanh vận tải nhỏ lẻ, hợp tác xã sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc lắp đặt thiết bị này. Làm rõ vấn đề này, ông Hùng đưa ra dẫn chứng như nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, (có doanh nghiệp chỉ 2-3 xe) đặc biệt là các hợp tác xã, việc lắp đặt thì các chủ xe có thể lắp được nhưng hợp tác xã làm thế nào để có cán bộ, thiết bị quản lý xe của xã viên và người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn chưa có thời gian chuẩn bị cho công việc này về khai thác thông tin, quản lý theo dõi xe. Ông Hùng cũng cho biết: “Đối với những thiết bị đã lắp ráp rồi, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải không hồi tố, cho phép các doanh nghiệp vận tải tiếp tục sử dụng trong thời gian nhất định theo quy định của Bộ để tránh lãng phí cho doanh nghiệp.” Đồng tình quan điểm đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay: “Việc lắp thì chúng tôi vẫn lắp, nhưng sau đấy làm gì với thiết bị đó thì tới giờ chúng tôi chưa biết thế nào và đang gặp nhiều lúng túng.” Theo hai vị Chủ tịch Hiệp hội vận tải, những băn khoăn đó chủ yếu do doanh nghiệp chưa có thời gian chuẩn bị. “Do đó, cần có thời gian nghiên cứu, chứ nếu vội vã sẽ gây ra lãng phí,” hai vị chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô kiến nghị. Đối với những hộp đen đã lắp mà không đúng quy chuẩn trước thời hạn 1/7 của Bộ Giao thông vận tải các công ty sản xuất, lắp ráp sẽ có những cách gỡ rối để doanh nghiệp giảm được chi phí và thiệt hại. “Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng thuộc diện đã lắp hộp đen nhưng chưa hợp quy, chúng tôi sẽ đưa ra 2 phương án là bổ sung một số phụ kiện hay nâng cấp thiết bị cũ hoặc hỗ trợ mua lại thiết bị cũ do công ty sản xuất và bán cho khách hàng thiết bị mới đạt chuẩn,” ông Thanh Anh chia sẻ. Trước khó khăn của các doanh nghiệp vận tải khi phải đầu tư và duy trì hệ thống máy chủ và bản đồ số cũng như quá trình bảo mật thông tin, ông Thanh Anh cho hay, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp lắp thiết bị này đều chọn phương án thuê dịch vụ máy chủ để đỡ tốn kém và dễ quản lý. Cụ thể, mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp một tài khoản và mật khẩu riêng để họ có thể trực tiếp theo dõi, giám sát phương tiện. Ông Thanh Anh lý giải thêm: “Ngoài ra, khách hàng chỉ cần trả tiền hàng tháng trọn gói trên dưới 150.000 đồng/xe chứ không phải tốn kém đầu tư nhân lực quản trị, duy trì, bảo mật, bảo hành, bảo trì, nâng cấp sao lưu định kỳ…” “Mô hình này chính là giải pháp phù hợp với mọi doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp chỉ có 1 xe đến một nghìn xe, bởi vậy, các doanh nghiệp vận tải vừa và nhỏ đã không còn phải lo lắng,” ông Thanh Anh nói./.
Theo Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, đến ngày 28/6, đã có 4 doanh nghiệp cung cấp thiết bị hộp đen được cấp giấy chứng nhận hợp quy của Bộ. Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP, bắt đầu từ ngày 01/07 tới, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container sẽ phải gắn thiết bị giám sát hành trình GPS (còn gọi là hộp đen). |
Mạnh Hùng (Vietnam+)