Gói kích thích kinh tế của Fed giúp giá dầu thế giới tăng nhẹ

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch 23/3, giữa lúc thị trường kỳ vọng các chương trình kích thích kinh tế mới của Fed sẽ bù đắp những tổn hại do COVID-19 gây ra.
Gói kích thích kinh tế của Fed giúp giá dầu thế giới tăng nhẹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch 23/3, giữa lúc thị trường kỳ vọng các chương trình kích thích kinh tế mới của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giúp bù đắp những tổn hại do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Tuy nhiên, giá xăng của Mỹ lại giảm hơn 30% xuống mức thấp kỷ lục trong phiên này, do các lệnh hạn chế đi lại được áp đặt trên toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, qua đó khiến nhu cầu năng lượng giảm mạnh.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 5/2020 tăng 73 xu Mỹ (3,2%), lên 23,36 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng “nhích” nhẹ 5 xu Mỹ, lên 27,03 USD/thùng.

[Giá dầu và giá vàng châu Á đồng loạt giảm trong phiên sáng 23/3]

Giá dầu đi xuống trong hầu hết cả phiên này, song bất ngờ đảo ngược tình thế vào cuối phiên, nhờ những kỳ vọng rằng các biện pháp kích thích của chính phủ các nước và các ngân hàng trung ương, trong đó có Fed, sẽ giúp nền kinh tế thế giới hạn chế tổn thương sau giai đoạn khó khăn hiện tại.

Ngày 23/3, Fed đã đưa ra thêm một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, đồng thời tuyên bố sẽ mua một lượng không giới hạn trái phiếu Chính phủ Mỹ và các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp để hỗ trợ hoạt động của các thị trường tài chính.

Giá cả hai loại dầu chủ chốt này đều giảm trong bốn tuần liên tiếp vừa qua, với dầu WTI mất 29% vào tuần trước, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Dầu thế giới đã mất hơn một nửa giá trị kể từ khi Saudi Arabia và Nga không đạt được đồng thuận về vấn đề cắt giảm sản lượng.

Các ngân hàng, giới phân tích và các nhà sản xuất đều đưa ra dự báo kém lạc quan về nhu cầu dầu mỏ trong năm nay, với ước tính sẽ giảm 2,8 triệu thùng/ngày, mức giảm mạnh nhất trong gần 40 năm qua.

Trong khi đó, giá xăng ký hạn tại Mỹ, nước tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu thế giới, lại giảm tới 32% trong phiên 23/3, xuống khoảng 41,18 USD/gallon, mức thấp kỷ lục. Đây là mức giảm mạnh nhất tính theo ngày của giá xăng.

Thông thường, Mỹ tiêu thụ hơn 9 triệu thùng xăng/ngày cho việc vận hành các động cơ, tương đương gần một nửa lượng tiêu thụ dầu mỏ hàng ngày của nước này. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát khiến người dân hạn chế đi lại và nhiều doanh nghiệp đóng cửa đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhu cầu xăng dầu của Mỹ.

Ngoài ra, giới phân tích còn cho rằng, đà sụt giảm giá xăng còn chịu tác động bởi việc Thượng viện Mỹ một lần nữa không thông qua gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 1.300 tỷ USD do lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đề xuất. Đây là dự luật hỗ trợ thứ 3 và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19.

Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục