Giá dầu và giá vàng châu Á đồng loạt giảm trong phiên sáng 23/3

Giá dầu và giá vàng tại thị trường châu Á đều đồng loạt giảm trong phiên sáng 23/3, do các nhà đầu tư buộc phải tìm cách ứng phó với những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.
Giá dầu và giá vàng châu Á đồng loạt giảm trong phiên sáng 23/3 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: The Economic Time)

Giá vàng tại thị trường châu Á giảm vào đầu phiên sáng 23/3 khi các nhà đầu tư bán ra chốt lời bất chấp cho dù các ngân hàng trung ương trên thế giới triển khai nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế để ứng phó các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Vào lúc 8 giờ 1 phút ngày 23/3 (giờ Việt Nam), giá vàng tại thị trường châu Á đã giảm 0,7% xuống còn 1.487,83 USD/ounce. Trước đó, giá vàng đã tăng 3,1% trong ngày 20/3 sau khi một loạt ngân hàng trung ương trên thế giới thông báo triển khai các biện pháp tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ kinh tế trong nước. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 1% lên 1.499,50 USD/ounce.

Các thị trường châu Á hiện đang đứng trước một tuần biến động mạnh nữa khi ngày càng nhiều nước và vùng lãnh thổ thực hiện lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Theo một quan chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tác động của dịch COVID-19 sẽ “rất nghiêm trọng” song nền kinh tế thế giới có thể ứng phó được cuộc khủng hoảng này nhờ giai đoạn tăng trưởng kéo dài trước đó và tỷ lệ việc làm tạo ra hiện ở mức cao.

Trong khi đó, giá dầu tại thị trường châu Á đã giảm vào đầu ngày giao dịch 23/3 sau khi Thượng viện Mỹ không thông qua gói cứu trợ nghìn tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trước các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

[Cuộc chiến giá dầu - Khởi đầu của một trật tự thế giới dầu mỏ mới?]

Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,5% xuống 22 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 4,9% xuống còn 25 USD/thùng.

Trong những tuần gần đây, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm khi lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại được áp dụng ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới giá dầu. Trong khi đó, hai nước sản xuất hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga rơi vào một cuộc chiến về giá.

Trước đó, Thượng viện Mỹ ngày 22/3 (giờ địa phương) đã không thông qua gói cứu trợ nghìn tỷ USD đễ hỗ trợ nền kinh tế trong nước khi không nhận được sự ủng hộ của các thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục