Cuộc chiến giá dầu - Khởi đầu của một trật tự thế giới dầu mỏ mới?

Cả Saudi Arabia và Nga đều muốn đẩy cuộc chiến dầu mỏ lên một nấc thang mới khi hai bên tuyên bố nâng sản lượng trong bối cảnh nhu cầu dầu trên thị trường đang sa sút do ảnh hưởng của COVID-19.
Cuộc chiến giá dầu - Khởi đầu của một trật tự thế giới dầu mỏ mới? ảnh 1Bể chứa dầu tại nhà máy ở Haradh, cách thành phố Dhahran của Saudi Arabia 280km về phía Tây Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua đã chứng kiến thời điểm giá “vàng đen” giảm xuống ngưỡng 30 USD/thùng - mức thấp kỷ lục kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Đây chính là hệ quả tức thì của cái gọi là cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga, hai trong số các siêu cường dầu mỏ của thế giới.

Cuộc chiến giá dầu, do Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, khơi mào là sự kiện có động cơ được tính toán kỹ lưỡng - một động thái chiến lược và chiến thuật nhằm tăng thị phần trong ngắn hạn và củng cố vị thế của Saudi Arabia trong ngành công nghiệp năng lượng trong trung hạn bằng việc gạt sang bên lề một số đối thủ cạnh tranh của nước này.

Cả Saudi Arabia và Nga dường như đều muốn đẩy cuộc chiến dầu mỏ lên một nấc thang mới khi hai bên tuyên bố nâng sản lượng trong bối cảnh nhu cầu dầu trên thị trường đang sa sút do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Rạn nứt trong liên minh OPEC+

 Dựa trên những quan ngại về tác động của sự bùng phát dịch COVID-19 đối với nhu cầu dầu mỏ, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác chủ chốt, dẫn đầu là Nga (hay còn gọi là nhóm OPEC+) đã quyết định triệu tập một cuộc họp bất thường tại trụ sở của tổ chức này ở Vienna (Áo) vào ngày 6/3.

Mục tiêu của cuộc họp này là gia hạn việc cắt giảm sản lượng 2,1 triệu thùng/ngày đã được nhất trí trước đó đến cuối năm nay (từ thời hạn ban đầu là cuối tháng 3/2020).

[Cần làm gì để chấm dứt cuộc chiến dầu mỏ giữa Saudi Arabia-Nga-Mỹ?]

Bên cạnh đó, cuộc họp cũng thảo luận về đề xuất giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày (tương đương khoảng 1,5% tiêu dùng toàn cầu) để tăng giá dầu nhằm đối phó với nhu cầu đang sụt giảm.

Tuy nhiên, Nga đã từ chối “đồng hành” cùng các thành viên OPEC với lập luận của Moskva là bất kỳ sự cắt giảm sản lượng nào đơn giản sẽ bị các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ thay thế.

Các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ giờ đây là các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày không thực sự có thể nâng giá dầu lên, do chỉ riêng tiêu thụ của Trung Quốc đã giảm ít nhất một nửa kể từ đầu năm nay và thị trường thế giới đang tràn ngập dầu mỏ.

Nói cách khác, theo quan điểm của Nga, bằng việc cắt giảm sản lượng, OPEC+ cuối cùng chẳng đạt được gì, ngoại trừ việc mất thị phần.

Không thuyết phục được các nước thành viên OPEC đặt ra mức sàn cho giá dầu, Saudi Arabia đã quyết định hành động một mình với một chiến lược đầy rủi ro và táo bạo theo hướng ngược lại.

Đó là để giá dầu “sụp đổ” bằng việc đơn phương giảm giá dầu mỏ của riêng mình xuống gần 10% và phát đi tín hiệu rằng nước này sẵn sàng “mạnh tay” hơn thế.

Cuộc chiến giá dầu - Khởi đầu của một trật tự thế giới dầu mỏ mới? ảnh 2Nhà máy lọc dầu ở Haradh, cách thành phố Dhahran của Saudi Arabia 280km về phía tây nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Saudi Aramco - công ty dầu mỏ nhà nước của Saudi Arabia cho biết từ tháng Tư tới sẽ sản xuất 12,3 triệu thùng/ngày, tăng 300.000 thùng/ngày so với công suất tối đa của công ty trước đây.

Bộ trưởng Năng lượng Nga, ông Alexander Novak cũng tuyên bố Nga có thể cũng sẽ đẩy sản lượng lên rất nhanh.

Theo nguồn tin từ các quan chức Chính phủ Saudi Arabia, vào lúc cuộc chiến dầu mỏ leo thang với những đòn quyết liệt từ cả hai phía thì cựu bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih, lại đang hội đàm với Bộ trưởng Năng lượng Nga Novak nhằm đảo ngược việc các bên đều tăng sản lượng nhằm hướng tới mục tiêu cả OPEC và Nga cùng nhau kiềm chế sản lượng ở một mức phù hợp.

Ông Falih, người tham gia đàm phán cắt giảm sản lượng dầu mỏ năm 2016 giờ giữ vị trí bộ trưởng đầu tư, nhưng đã được Chính quyền Saudi Arabia cho phép đứng ra thương lượng với ông Novak.

Nếu ông Falih đàm phán thành công thì OPEC và Nga sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn vào tháng Tư, nguồn tin của giới cố vấn cho hay. Ông Novak cũng cho biết phía Nga không loại trừ khả năng tiếp tục hợp tác hơn nữa với OPEC và cho biết theo kế hoạch đã dự tính, hai bên sẽ họp vào tháng Năm hoặc tháng Sáu. Ông vẫn khẳng định “cánh cửa hợp tác vẫn chưa đóng lại!”

Động thái đẩy giá xuống quyết liệt của Saudi Arabia nhằm vào một số thị trường chủ đạo của Nga ở Trung Quốc và Bắc Âu, đồng thời cũng nhằm vào việc đối đầu với các nhà sản xuất của Mỹ.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ vốn cũng là những đối thủ mà Nga cũng muốn loại bỏ. Báo Wall Street Journal số ra ngày 11/3 đã liên lạc với Bộ trưởng Năng lượng Nga và Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia để tìm hiểu vấn đề này, nhưng cả hai quan chức đều không phản hồi và không bình luận.

Người phát ngôn của Bộ Đầu tư Saudi Arabia cũng không thừa nhận có cuộc gặp giữa ông Falih và ông Novak.

Nhiều quan chức cấp cao trong ngành dầu mỏ bày tỏ quan điểm họ không thể hiểu được quyết định hạ giá của Saudi Arabia. Một số quan chức có tham gia các cuộc họp của OPEC thì nhận định rằng động thái của Riyadh có liên quan tới nỗ lực nhằm nắm giữ quyền lực và nâng tầm vị thế của Saudi Arabia trên trường quốc tế của Thái tử Mohammad bin Salman.

Việc Nga không tìm được tiếng nói chung với Saudi Arabia và OPEC trong vấn đề cắt giảm sản lượng đã manh nha xuất hiện từ trước khi Riyadh và Moskva gặp nhau hồi đầu tháng Hai nhằm bàn bạc xây dựng một liên minh lớn hơn và lâu dài.

Theo kịch bản ban đầu, Saudi Arabia sẽ tăng cường rót vốn đầu tư vào Nga vốn đang “lao đao” bởi các lệnh cấm vận, đồng thời Riyadh sẽ ủng hộ các nỗ lực quân sự của Nga ở Syria, theo nguồn tin của giới thạo tin.

Nhưng cuối cùng Thái tử Saudi Arabia lại không giữ cam kết bởi không muốn làm mếch lòng người Mỹ. Vài tuần sau, vào cùng thời gian Nga tuyên bố phản đối kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mỏ của OPEC, Tổng thống Vladimir Putin đã bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là kẻ thù của Saudi Arabia, nguồn thạo tin này cho hay.

Bên cạnh đó, Thái tử Mohammed lại coi kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC như một thước đo tầm ảnh hưởng của chính ông đối với các chính sách dầu mỏ của vương quốc Saudi Arabia và cũng để chứng minh cho anh của ông, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, rằng ông có thể gây áp lực với Nga, cũng theo nguồn thạo tin này.

Trong một cuộc điện đàm với Hoàng tử Abdulaziz ngày 5/3, Thái tử Mohammed đã bác bỏ kế hoạch mà anh của ông đã nhất trí với OPEC trước đó là cắt giảm sản lượng trong ba tháng, đồng thời quyết định kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng đến hết năm, kể cả khi điều đó sẽ đi kèm rủi ro là Nga sẽ không nhất trí.

Cái giá đắt cho cả hai bên

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng nếu cố giành giật vị thế kiểm soát thị trường dầu mỏ vào lúc này Saudi Arabia có thể chiếm thêm được một ít thị phần của các nhà sản xuất Nga và Mỹ, nhưng cái giá của cuộc chiến sẽ là quá đắt đối với vương quốc Trung Đông.

Quyết định “đánh chìm” thị trường dầu mỏ của cả Saudi Arabia và Nga trong bối cảnh hiện nay là khá bất ngờ bởi Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đang phải vật lộn với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và hiện không thể nhập dầu bởi các nhà máy lọc dầu đang phải đóng cửa.

Lượng dầu tiêu thụ toàn cầu ngày càng giảm trong khi nguồn cung tăng lên đã đẩy giá dầu Brent phiên ngày 9/3 (dầu Brent vốn là tiêu chuẩn để tính các loại giá dầu toàn cầu) xuống mức thấp nhất tính từ thời cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991.

Tuy nhiên, giá một số loại dầu đã tăng trở lại vào hôm sau ngay khi giá dầu Brent tăng 8% nhờ thị trường phục hồi.

Ngay sau khi Saudi Arabia thông báo với các lãnh đạo của công ty dầu mỏ Aramco về việc tăng sản lượng và hạ giá dầu, các quan chức bộ tài chính nước này đã được giao nhiệm vụ phải chuẩn bị đủ ngân sách đối phó với nguy cơ giá dầu Brent có thể giảm xuống chỉ còn 12-20 USD/thùng.

Đồng thời tất cả các bộ của Saudi Arabia phải cắt giảm chi tiêu để chuẩn bị tinh thần trong trường hợp kịch bản này xảy ra. Thế nhưng, chiến lược hạ giá kiểu này trước đây đã có lần phản tác dụng.

Hồi năm 2014, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia lúc đó là Ali Al-Naimi đã thuyết phục OPEC sản xuất thật nhiều để cạnh tranh với Mỹ. Ông cho rằng các nước trong OPEC đủ nguồn lực để sản xuất với mức giá cực thấp.

Thế nhưng, sau khi giá dầu Brent hạ xuống dưới mức 28 USD/thùng vào đầu năm 2016, gia đình hoàng gia Saudi Arabia đã cách chức ông Ali Al-Naimi.

Người kế nhiệm ông Ali Al-Naimi là Bộ trưởng Khalid al-Falih, đã đàm phán được một thỏa thuận định giữa OPEC và Nga để giảm sản lượng theo thỏa thuận của OPEC+ và nhờ đó, chỉ trong vòng vài tháng, giá dầu đã tăng lên gấp đôi.

Chiến lược hạ giá hồi những năm 1980 cũng không đạt được kết quả mong muốn và dẫn tới một thời kỳ gọi là “thập kỷ bị đánh cắp.”

Việc Saudi Arabia theo đuổi chiến lược triệt hạ đối thủ bằng cách đánh chìm thị trường bằng giá dầu rẻ, một nước cờ mà giới thạo thị trường cho rằng nhiều khả năng sẽ “gậy ông đập lưng ông.”

Giới phân tích cho rằng Riyadh có thể đã đánh giá thấp khả năng “chống chọi” trước giá dầu ở mức thấp của Nga. Cả hai nước đều phụ thuộc chủ yếu vào doanh thu từ dầu mỏ để đóng góp cho ngân sách quốc gia. Ý đồ của Saudi Arabia là đưa giá dầu xuống thật thấp để cả hai cảm thấy phải “cắn răng chịu đựng.”

Trong khi nền kinh tế của Nga đa dạng hóa hơn so với nền kinh tế Saudi Arabia, Moskva có thể mất đi thị phần cho đối thủ Trung Đông của mình nếu Riyadh giảm giá dầu bán cho Tây Âu, vốn là thị trường chính cho dầu khí xuất khẩu của Nga.

Với giá dầu thấp hơn, Nga sẽ mất đi nguồn thu xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, giờ đây Nga đã có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với chiến lược hạ giá dầu.

Dầu mỏ hiện chiếm chưa tới 1/3 tổng nguồn thu ngân sách của nước này, Moskva có thể cân bằng ngân sách của mình với giá dầu ở mức 42 USD/thùng. Nga cũng đã dự trữ rất nhiều và như Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố hôm 9/3 vừa qua, Nga có thể chống đỡ được trong 10 năm nếu giá dầu xuống thấp ở mức 25-30 USD/thùng.

Hơn nữa, với việc Moskva duy trì kiểm soát chặt chẽ đối với chi tiêu, không giống Saudi Arabia, Nga có thặng dư ngân sách trong những năm gần đây.

Cuộc chiến giá dầu - Khởi đầu của một trật tự thế giới dầu mỏ mới? ảnh 3Đồng ruble của Nga. (Ảnh: Sputnik/TTXVN)

Dự trữ ngoại tệ của Nga cũng lớn, khoảng 580 tỷ USD và nước này có quỹ tài sản trị giá 170 tỷ USD được xây dựng từ doanh thu dầu mỏ trước đây. Vì vậy, Nga có thể chống đỡ được cơn bão giá dầu, trừ khi Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác tranh giành thị phần và đẩy giá dầu xuống dưới 20 USD/thùng. Mức giá này rõ ràng thấp hơn chi phí sản xuất hòa vốn của Nga.

Một số công ty dầu mỏ của Nga cho rằng cuộc chiến giá dầu này là vô nghĩa. Ông Leonid Fedun, Phó Chủ tịch Công ty sản xuất dầu mỏ tư nhân Lukoil phát biểu với Bell, một tờ báo của Nga, rằng ông cảm thấy sốc trước động thái này.

Ông Fedun cho rằng quyết định đẩy giá dầu xuống thấp là quá bất hợp lý, và các công ty dầu khí của Nga rất muốn tăng sản lượng, nhưng nếu giá dầu giảm xuống thấp hơn nữa thì sản xuất nhiều cũng không thể bù được lỗ.

Tình hình ở Saudi Arabia còn ảm đạm hơn bởi nước này cần duy trì giá dầu ở mức 60 USD một thùng mới có thể cân bằng ngân sách, theo nguồn tin từ các quan chức Saudi Arabia.

Vương quốc Trung Đông cũng đang phải đối mặt với dịch COVID-19. Ngày 9/3, nước này đã phải tạm ngừng các chuyến bay tới các nước láng giềng. Cùng ngày 9/3, cổ phiếu của công ty dầu mỏ quốc gia Aramco giảm 7% xuống còn 7,45 USD/cổ phiếu trên sàn giao dịch nội địa.

Theo Tiến sỹ Garbis Iradian, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Đông, Bắc Phi thuộc Viện Tài chính quốc tế có trụ sở ở Washington, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia dự kiến ở mức 6,5% GDP trong năm nay dựa trên giá dầu Brent ở mức 58 USD/thùng.

Với giá dầu giờ đây giảm hơn mức đó rất nhiều, Saudi Arabia sẽ phải nới rộng thâm hụt ngân sách, rút hơn 500 tỷ USD dự trữ ngoại tệ hoặc “xếp xó” một số kế hoạch phát triển đầy tham vọng của mình như “Tầm nhìn 2030.”

Đây là kế hoạch được đưa ra nhằm đa dạng hóa nền kinh tế nước này, giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua một loạt dự án trị giá nhiều tỷ USD.

Những “nạn nhân” khác trên thị trường

 Về phía Mỹ, các nhà sản xuất dầu đá phiến đã luôn phải vật lộn với khó khăn để tìm kiếm lợi nhuận và ở trong trạng thái dễ tổn thương. Giá hòa vốn trung bình cho sản xuất dầu đá phiến là khoảng 60 USD/thùng và thậm chí còn cao hơn đối với các nhà sản xuất dầu cát (chủ yếu ở Canada) ở mức hơn 80 USD/thùng.

Nếu giá dầu giảm xuống dưới các mức đó, như tình trạng hiện nay, hầu hết sản xuất dầu đá phiến và dầu cát không đem lại lợi ích kinh tế. Nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là các bên tham gia nhỏ và vừa sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi việc khai thác bằng thủy lực, quá trình khoan vào sâu trong lòng đất để hút dầu và khí từ các mỏ đá phiến, cần rất nhiều vốn.

Trong quá khứ, Phố Wall đã sẵn sàng tài trợ cho hoạt động của các nhà sản xuất này ngay cả khi giá dầu xuống thấp bởi họ tin rằng giá dầu sẽ sớm tăng lên.

Nhưng hiện nay, với nhu cầu về dầu mỏ thấp và đang giảm, nguy cơ suy thoái toàn cầu có thể xảy ra, các công ty dầu đá phiến khó tiếp cận được nguồn vốn nếu không muốn nói là không thể. Nhiều công ty sẽ bị phá sản, đặc biệt nếu tình trạng giá dầu thấp kéo dài, lan sang các thị trường trái phiếu thấp cấp mà nhiều công ty đã huy động vốn.

Mức giá dưới 30 USD/thùng cũng có thể làm cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn đối với các nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi như Na Uy và Anh, mà dầu Biển Bắc của họ có chi phí hòa vốn là khoảng 35 USD/thùng.

Bằng việc giữ giá dầu thấp, Saudi Arabia và Nga, ít nhất tạm thời, sẽ loại bỏ được rất nhiều đối thủ cạnh tranh và đặt hai nước vào vị trí là các bên được lợi lớn nhất khi giá dầu tăng trở lại.

Giá dầu “sụp đổ” cũng ảnh hưởng đến nhiều “nạn nhân” khác trong đó, quốc gia dự kiến sẽ chịu thiệt hại lớn là Iran, kẻ thù chính của Saudi Arabia ở khu vực Trung Đông.

Nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran, vốn đã bị hạn chế bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ, giờ đây sẽ giảm sâu hơn do giá dầu thấp.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế của Iran đã thu hẹp 9,5% vào năm ngoái. Iran cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất của dịch COVID-19 trên thế giới. Chịu tác động kép của dịch bệnh và tình trạng giá dầu giảm, nền kinh tế của nước này có nguy cơ sụp đổ.

Venezuela, nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu mỏ để tồn tại và đã ở bên bờ vực thảm họa kinh tế ngay cả khi giá dầu ở mức cao, giờ đây phải đối mặt với một tương lai vô cùng ảm đạm.

Các nền kinh tế giàu dầu mỏ đang vật lộn với khó khăn như Angola, Brazil, Ecuador và Nigeria cũng sẽ phải đứng trước nhiều nguy cơ mới.

Lĩnh vực dịch vụ dầu mỏ của Singapore, với các nhà xây dựng giàn khoan ngoài khơi và các nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ khác, cũng sẽ bị tác động. Các nhà máy đóng tàu vốn đã nhận nhiều đơn đặt hàng từ ngành công nghiệp dầu khí cũng chịu “vạ lây.”

Tuy nhiên, giá dầu rẻ hơn sẽ đem lại lợi ích cho hầu hết các nước châu Á, trong đó có các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Indonesia, tất cả đều là những nước nhập khẩu ròng dầu mỏ.

Các nước này được hưởng chi phí nhập khẩu thấp hơn, áp lực ngân sách thấp hơn và lạm phát thấp hơn. Các nước châu Á cũng sẽ có cơ hội cắt giảm các khoản trợ cấp nhiên liệu đầy tốn kém của mình.

Một số nhà phân tích lập luận rằng cuộc chiến giá dầu trên các thị trường “vàng đen” toàn cầu đánh dấu sự khởi đầu của một trật tự thế giới dầu mỏ mới. Điều này là có khả năng. OPEC+ đã bộc lộ là một tổ chức thiếu thống nhất và thiếu hiệu quả.

Trong khi nền kinh tế của nhiều nước thành viên đang gặp rắc rối, tư cách thành viên được thể hiện dưới hình thức “mỗi người vì bản thân mình.”

Dầu mỏ và các nhiên liệu hóa thạch khác cũng đang nhường chỗ cho nhiên liệu tái tạo. Tiến trình thay thế sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh vấn đề biến đổi khí hậu nằm ở vị trí cao trong chương trình nghị sự toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục