Google, Facebook có thể bị phạt nặng nếu vi phạm đạo luật của EU

Các tập đoàn công nghệ lớn có thể bị phạt đến 6% doanh thu nếu họ không có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết các nội dung bất hợp pháp và công bố lợi nhuận từ quảng cáo.
Google, Facebook có thể bị phạt nặng nếu vi phạm đạo luật của EU ảnh 1(Nguồn: usine-digitale.fr)

Các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Facebook có thể phải đối mặt với khoản phạt lên đến 6% doanh thu nếu họ không có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết các nội dung bất hợp pháp và công bố lợi nhuận từ quảng cáo trên nền tảng của họ.

Ủy viên EU phụ trách thị trường và dịch vụ nội địa Thierry Breton sẽ trình bày dự thảo của Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) vào ngày 15/12. Các quy định thể hiện lập trường cứng rắn của Liên minh châu Âu (EU) được đưa ra nhằm thắt chặt quản lý các công ty ở Thung lũng Silicon.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang ngày càng gia tăng sự giám sát về mặt pháp lý đối với các gã khổng lồ công nghệ và khả năng kiểm soát dữ liệu cũng như quyền truy cập vào trang web của họ.

Hãng tin Reuters dẫn thông tin trong tài liệu này định nghĩa các nền tảng trực tuyến có quy mô rất lớn là có hơn 45 triệu người dùng, tương đương 10% dân số EU. Những công ty quản lý các nền tảng này phải có nghĩa vụ phải giải thích các mối quan ngại về chính sách cũng như rủi ro hệ thống mà các dịch vụ của họ gây ra.

[Pháp phạt Google, Amazon 135 triệu euro vì cài cookie quảng cáo ẩn]

Những “gã khổng lồ” công nghệ sẽ phải chịu trách nhiệm về những nội dung bất hợp pháp trên trang web của họ, giải quyết các vấn nạn lạm dụng nền tảng của họ như lan truyền tin giả gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử và sức khỏe cộng đồng.

Các công ty cũng sẽ được yêu cầu công bố chi tiết các thông tin liên quan đến đối tác quảng cáo trực tuyến và cách thức thuật toán của họ đề xuất và xếp hạng thông tin, lựa chọn nội dung hiển thị và đối tượng hiển thị.

EU cho rằng Google, Facebook, Apple và Amazon được coi là "những người gác cổng" đang nắm giữ toàn bộ chìa khóa của thế giới số, với khả năng đặt ra các quy định riêng và loại bỏ các đối thủ tiềm năng ngay khi mới xuất hiện.

Để kết thúc tình trạng này, các quy định của EU có thể ngăn chặn việc một công ty như Google tự ưu tiên trong các kết quả tìm kiếm, hay Apple buộc các nhà phát triển ứng dụng sử dụng cửa hàng của mình trong thanh toán.

Dự thảo DSA có thể mất một năm hoặc thời gian dài hơn cho đến khi các quy định này có hiệu lực sau khi được đưa ra thảo luận tại các nước EU và Nghị viện châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục