Góp ý việc chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng AIPA-31

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31.
Sáng 14/9, tiếp tục phiên họp 34, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA-31).

Thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng AIPA 30 tại Thái Lan (2009), Quốc hội Việt Nam chính thức tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA-31, nhiệm kỳ 2009-2010 (từ 8/2009 đến 9/2010), với trọng tâm là đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA-31 tại thủ đô Hà Nội, dự kiến là từ ngày 20-24/9/2010.

Ngay khi Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA-31, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã xây dựng Đề án tổng thể Đại hội đồng AIPA-31được các cấp phê duyệt và thông qua; tổ chức bộ máy và nhân sự chuẩn bị Đại hội đồng được thành lập sớm.

Thư mời của Chủ tịch Quốc hội cùng dự kiến Chương trình nghị sự của Đại hội đồng và của các Ủy ban chuyên đề (Ủy ban chính trị, Ủy ban xã hội, Ủy ban tổ chức, Ủy ban nữ nghị sỹ AIPA và Ủy ban đối thoại với các nước quan sát viên) đã được gửi sớm (vào tháng 6/2010, ba tháng trước Đại hội đồng) đến tất cả các nước thành viên, quan sát viên đặc biệt của AIPA và các bên đối thoại của AIPA để lấy ý kiến để bổ sung, hoàn thiện.

Các ý kiến phản hồi cũng cho thấy sự nhất trí cao của các nước đối với chủ đề “Đoàn kết các dân tộc vì sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN” và dự kiến Chương trình của Đại hội đồng do Quốc hội Việt Nam đề xuất; phản ánh được mối quan tâm chung của các nước ASEAN về những vấn đề của khu vực, thế giới và thể hiện được trọng tâm hoạt động của Đại hội đồng AIPA-31 là đoàn kết, phấn đấu vì mục tiêu của cộng đồng.

Nhìn chung, toàn bộ công việc chuẩn bị cho Đại hội đồng AIPA-31 về cơ bản đã hoàn thành, bảo đảm đúng tiến độ.

Tính đến ngày 13/9/2010, đã có tất cả 9 nước gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Phillipines, Singapore và Thái Lan là thành viên AIPA, Myanmar là quan sát viên đặc biệt và bảy bên đối thoại là Australia, Canada, Trung Quốc, Nghị viện châu Âu (EP), Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga và Ban thư ký AIPA tại Jakarta khẳng định tham dự, đông hơn hai đoàn so với Đại hội đồng AIPA-30 tại Thái lan.

Tổng số đại biểu tham dự cho đến nay là 336 vị, trong đó có 176 đại biểu chính thức (kể cả đoàn Việt Nam).

Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng đây là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội Việt Nam làm Chủ tịch AIPA-31 với thành phần tham dự ở cấp cao; số lượng đại biểu, khách mời đông, đa dạng với nhiều hoạt động phong phú lại diễn ra trong thời gian tương đối dài không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các địa phương khác.

Yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm chuẩn bị tổ chức và điều hành hội nghị chu đáo, trọng thị, vừa đặc biệt chú trọng về mặt nội dung nhưng đồng thời phải quan tâm đến công tác lễ tân, hậu cần, an ninh, tuyên truyền... bảo đảm cho Đại hội đồng AIPA-31 đạt kết quả cao, để lại dấu ấn với bạn bè quốc tế về một Việt Nam hòa bình, ổn đinh, phát triển; một nền văn hóa Việt Nam phong phú và đặc sắc; con người Việt Nam thân thiện, hữu nghị; một Quốc hội Việt Nam năng động và đang đổi mới.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình để kịp thời hoàn thiện các nội dung và các nghị quyết; kịp thời xử lý khéo léo, linh hoạt các vấn đề phát sinh trên cơ sở quán triệt chủ trương của Việt Nam và bảo đảm nguyên tắc làm việc của AIPA là đồng thuận, không can thiệp và theo đúng trình tự, thủ tục.

Kết luận phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã hoan nghênh tinh thần chủ động, tích cực của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và các ban, ngành, đoàn thể hữu quan đồng thời lưu ý về việc tiếp tục chuẩn bị sâu hơn về mặt nội dung, chu đáo về các mặt công tác thông tin, tuyên truyền, lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục