Góp ý XD chiến lược, quy hoạch phát triển Hà Nội

Gần 30 nhà khoa học và các chuyên gia quản lý các ngành nghề đã góp ý kiến vào chiến lược và quy hoạch phát triển thủ đô Hà Nội.
Ngày 2/4, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học về “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050” và “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030.”

Gần 30 nhà khoa học và các chuyên gia quản lý các ngành nghề đã tới dự và đóng góp ý kiến.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thủ đô Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành một Thủ đô hiện đại, văn minh, thực hiện tốt các chức năng quan trọng đã được Bộ Chính trị, Chính phủ giao; trung tâm sáng tạo quốc gia với hệ thống cơ sở văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế, thể dục thể thao hàng đầu cả nước; đồng thời xây dựng được cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, môi trường bền vững.

Người Hà Nội văn minh, thanh lịch và hiếu khách, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Dự thảo đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Hà Nội đặt tầm nhìn xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh-văn hiến-văn minh-hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững.

Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển năng động và hiệu quả, là biểu tượng cho cả nước, đóng vai trò trung tâm hành chính-chính trị quốc gia, trung tâm lớn của quốc gia về văn hóa-khoa học-giáo dục-kinh tế, một trung tâm du lịch và giao dịch quốc tế có tầm khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thủ đô Hà Nội sẽ là nơi có môi trường sống tốt nhất, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.

Đa phần các nhà khoa học đánh giá bản dự thảo về hai đồ án lớn đã được chuẩn bị công phu, tâm huyết. Tuy nhiên, bộ phận soạn thảo cả hai đồ án đều chưa bám sát phân tích kỹ bối cảnh kinh tế và xã hội hiện thời của cả nước và của Hà Nội, đặc biệt các giải pháp đưa ra chưa thuyết phục.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trước hết phải định vị Hà Nội năm 2030, 2050 ra sao, cái gì được coi là đặc sắc của thành phố. Hà Nội cần phải được thể hiện có tầm văn hóa, phải có bản sắc riêng.

Ông Thiên cho rằng chiến lược phát triển và quy hoạch phát triển chưa có điểm nhấn phát triển cho Hà Nội. Phần giải pháp thực hiện chiến lược và quy hoạch được đề cập chưa cụ thể, chưa thuyết phục và thiếu tính sáng tạo.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cả hai đồ án chưa làm bật lên được những điểm nhấn trong quy hoạch, trong chiến lược và những động lực để Hà Nội đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy cần phải tìm điểm nhấn về mục tiêu, động lực, bước đi, xác định điểm nào cần nhìn dài hạn, điểm nào cho ngắn hạn...

Ông Đặng Hùng Võ đồng ý với quan điểm phải phát trển Hà Nội toàn diện, nhưng nếu Hà Nội không tìm ra được điểm đột phá thì sẽ rất khó để có những bước phát triển nhanh, mạnh, xứng tầm với vị trí thủ đô của đất nước.

Phó Giáo sư-tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đánh giá phần dự báo về dân cư chưa đạt. Theo ông, cần làm rõ sự gia tăng dân số cả cơ học và tự nhiên ở khu vực thành thị và nông thôn Hà Nội, phải đặt con người vào vị trí trung tâm của phát triển, thực hiện công bằng xã hội trong từng giai đoạn phát triển.

Tiến sĩ Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên-nhi đồng của Quốc hội góp ý Hà Nội cần xác định phát triển các trường học đủ điều kiện để dạy học sinh một cách toàn diện về “trí, thể, mỹ” và thực hiện công bằng trong giáo dục để tránh “chạy trường,” “chạy điểm” như hiện nay./.

Thanh Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục