Theo hãng tin Reuters, chính phủ tạm quyền Hà Lan đã dỡ bỏ các quy định hạn chế đối với hoạt động cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Động thái này được đánh giá là nhằm mục đích đưa Hà Lan tham gia Hiệp ước Vũ khí Pháp-Đức-Tây Ban Nha.
Những quy định hạn chế vừa được dỡ bỏ nêu trên tuân theo chính sách “từ chối giả định” và có nghĩa là từ chối cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí sang ba quốc gia liên quan, trừ khi động thái xuất khẩu này có thể chứng minh một cách “không thể bác bỏ” rằng vũ khí sẽ không được sử dụng trong những cuộc xung đột ở miền Bắc Syria hay Yemen.
[Hải quân Bỉ và Hà Lan đặt mua 4 khinh hạm với giá 4 tỷ euro]
Trong thư gửi Quốc hội hồi tuần trước, Chính phủ Hà Lan cho rằng cần loại bỏ chính sách này vì muốn tham gia Hiệp ước Pháp-Đức-Tây Ban Nha, trong đó quy định hoạt động xuất khẩu vũ khí phải tuân thủ các tiêu chí xuất khẩu vũ khí của Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc.
Ngoài ra, Chính phủ Hà Lan cũng khẳng định không một quốc gia nào tham gia hiệp ước (tiềm năng) này áp dụng chính sách “từ chối giả định” vì các đối tác trong hiệp ước tin tưởng vào những đánh giá kiểm soát xuất khẩu của nhau.
Liên quan hoạt động của quân đội Hà Lan, đầu tháng Tư vừa qua, nước này và Bỉ đã công bố đơn đặt hàng bốn khinh hạm (hai khinh hạm cho mỗi nước), với tổng số tiền hơn 4 tỷ euro. Đây được coi như bước ngoặt và kỳ vọng sẽ tạo thành xương sống của hải quân hai nước trong thập kỷ tới.
Trước đó, cuối tháng Ba, Lữ đoàn hạng nhẹ số 13 của Hà Lan được hợp nhất với Sư đoàn thiết giáp số 10 của quân đội liên bang Đức, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hợp tác quân sự giữa hai nước và là mô hình hợp tác độc đáo ở châu Âu./.