Hà Nam kích cầu du lịch trước ảnh hưởng của dịch COVID-19

Trong tháng 2/2020, lượng khách đến các khu, điểm du lịch của Hà Nam đạt 368.500 lượt khách, giảm 11.500 lượt so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Hà Nam kích cầu du lịch trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 ảnh 1Du khách tham quan chùa Tam Chúc. (Nguồn: Vietnam+)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành tại Hà Nam đều gặp khó khi các tour, tuyến bị hủy, gây thiệt hại không nhỏ.

Trước thực trạng trên, ngành du lịch cũng như các đơn vị lữ hành ở Hà Nam đã chủ động nhiều phương án ứng phó với dịch bệnh, chuẩn bị điều kiện để phục hồi du lịch sau dịch.

Hà Nam là địa phương có thế mạnh về phát triển sản phẩm du lịch sinh thái- tâm linh, du lịch văn hóa-lễ hội đầu năm, bên cạnh kết hợp với hình thức du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch y tế nghỉ dưỡng-chữa bệnh, du lịch giải trí, du lịch xanh.

Trong tháng 2/2020, lượng khách đến các khu, điểm du lịch của Hà Nam đạt 368.500 lượt khách (giảm 11.500 lượt so với cùng kỳ năm 2019).

Doanh thu du lịch ước đạt 170 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Dịch bệnh không chỉ khiến các công ty lữ hành gặp khó khăn mà các nhà hàng, khách sạn, vận tải… cũng lao đao khi lượng khách sụt giảm mạnh.

Theo các cơ quan quản lý ngành du lịch, dự đoán ngành du lịch còn chịu thiệt hại trong nhiều tháng tới.

Ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Hà Nam, cho biết có thể nói đây là giai đoạn khó khăn của ngành du lịch nói chung và các đơn vị lữ hành nói riêng.

Các năm trước, thời điểm sau Tết, nhân viên Công ty phải chạy đua với thời gian để sắp xếp lịch trình, đón khách, dẫn tour…. Nhưng năm nay, tất cả hợp đồng đã ký trước Tết cũng đã bị hủy vì dịch, so với cùng kỳ năm 2019 sụt giảm 80-90%.

Trước tình hình đó, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Hà Nam đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú du lịch thường xuyên nắm tình hình sức khỏe của khách tại các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khách đến từ vùng có dịch COVID-19.

[Thừa Thiên-Huế kích cầu du lịch bằng chất lượng dịch vụ]

Các đơn vị kinh doanh du lịch tăng cường sát khuẩn, khử trùng cơ sở vật chất, phương tiện kinh doanh để đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động; chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế và hướng dẫn khách du lịch phối hợp kiểm soát tình hình dịch bệnh; theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe của du khách.

Khi nghi ngờ có khách bị nhiễm bệnh, đơn vị kinh doanh du lịch phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương thực hiện việc theo dõi, cách ly đúng quy trình; đồng thời thông tin về đường dây nóng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam.

Đồng hành cùng ngành Du lịch từng bước vượt qua khó khăn, ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Hà Nam cho biết, ngành đã đề ra các giải pháp kích cầu du lịch, phục hồi, tăng trưởng du lịch sau dịch bệnh.

Trong thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nam đã có những chiến lược cụ thể, trong đó ưu tiên tham gia liên kết phát triển du lịch với các tỉnh lân cận và khu vực; xây dựng kế hoạch tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch trong khuôn khổ chương trình năm du lịch quốc gia 2020 tại Ninh Bình; thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Nam năm 2020; tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2025; phát động cuộc thi "Ảnh đẹp Du lịch Hà Nam năm 2020"…

Bên cạnh đó, các công ty du lịch, đơn vị lữ hành đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kích cầu du lịch như dây dựng điểm đến an toàn; xây dựng những gói kích cầu du lịch có giới hạn, thời gian cụ thể, khung giá có thể tăng dần theo thời gian.

Ngoài ra, theo nhiều công ty du lịch, muốn có những gói du lịch giá hấp dẫn để thu hút du khách, hệ thống nhà hàng, khách sạn, các đơn vị vận chuyển phải giảm giá.

Nhiều đơn vị kinh doanh đề xuất, Hiệp hội Du lịch tỉnh kiến nghị cơ quan chức năng giảm thuế, phí để họ tiếp tục có những chính sách giảm giá phù hợp...

Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nam thông tin thêm khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, các công ty du lịch lữ hành cần đảm bảo tốt nhất quyền lợi khách hàng; ổn định tâm lý nhân viên và có kế hoạch đào tạo nhân lực, chú trọng khai thác các thị trường mới để phục vụ du khách… ; đồng thời duy trì thông tin liên lạc với những đoàn khách đã hủy tour, chuẩn bị sẵn gói kích cầu để chào bán ngay khi dịch bệnh qua đi.

Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Hà Nam cũng tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp trình lên Ủy ban Nhân dân tỉnh để nghiên cứu, giải quyết; xây dựng chương trình, kế hoạch, sự kiện du lịch nhằm thu hút du khách ngay sau khi hết dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục