Hà Nội: Cần khắc phục sai phạm trong dồn điền đổi thửa tại huyện Ba Vì

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì kết luận việc công dân có đơn tố cáo ông Phùng Nghĩa Thân - Trưởng ban Dồn điền đổi thửa xã Phú Sơn, sai phạm trong công tác dồn điền đổi thửa là tố cáo đúng.

Ngôi nhà chơ vơ trên đồi tại xã Phú Sơn (Ba Vì, Hà Nội) bị múc đất nham nhở. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)
Ngôi nhà chơ vơ trên đồi tại xã Phú Sơn (Ba Vì, Hà Nội) bị múc đất nham nhở. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì (Hà Nội) vừa có văn bản thông báo Kết luận Thanh tra gửi đến các hộ dân xã Phú Sơn vì đã có đơn tố cáo đối với ông Phùng Nghĩa Thân - Trưởng ban Chỉ đạo Dồn điền đổi thửa xã giai đoạn năm 2019, có vi phạm trong công tác dồn điền đổi thửa.

Theo nội dung tố cáo, ông Phùng Nghĩa Thân không làm đúng theo quy định tại Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ và Hướng dẫn số 29/HD-SNN ngày 14/5/2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội dẫn đến việc thiếu đất của một số hộ dân sau dồn điền đổi thửa.

Theo nội dung kết luận Thanh tra, việc xây dựng và thực hiện phương án dồn điền đổi thửa tại thôn Cao Lĩnh, xã Phú Sơn đã thực hiện các bước theo Hướng dẫn số 29/HD-SNN&PTNT của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội như lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 của thôn Cao Lĩnh; thành lập Tiểu ban; xây dựng Đề án; tổ chức họp giữa Tiểu ban với chủ hộ sử dụng đất nông nghiệp để thống nhất Kế hoạch; tổ chức dồn điền đổi thửa tại thực địa; tổ chức sản xuất trên vùng đất đã chuyển đổi; hoàn thiện hồ sơ địa chính.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn để xảy ra một số tồn tại, hạn chế như tại bước phân tích diện tích đất nông nghiệp của từng hộ đang sử dụng và các biến động của thôn Cao Lĩnh chưa đảm bảo đúng với thực tế số hộ đang sử dụng đất. Khi thực hiện vẫn xác định số hộ có đất nông nghiệp dồn điền là 104 hộ (đây là các hộ có đất được giao theo Nghị định số 64-CP của Chính phủ năm 1993 và Quyết định 250 của tỉnh Hà Tây), tuy nhiên khi chia ruộng tại thực tế thì có 152 phương án giao ruộng do quá trình sử dụng có nhiều hộ đã tặng cho con cái hoặc chuyển nhượng cho các hộ khác.

Xác định sai số liệu các hộ được chia ruộng dẫn đến việc tổ chức họp thôn chỉ mời 104 hộ tham gia trong khi thực tế có 152 hộ liên quan được nhận ruộng theo phương án. Tại các buổi họp thống nhất phương án dồn điền của thôn Cao Lĩnh đều không có danh sách các hộ có mặt, chỉ ghi tổng số đại biểu tham dự. Tuy nhiên, tổng diện tích đất nông nghiệp của các hộ đưa vào dồn điền đổi thửa không thay đổi. Để xảy ra thiếu sót này là trách nhiệm của Tiểu ban Dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh.

Về việc xây dựng hệ số "K" (hệ số để quy đổi đất), trong quá trình thực hiện thôn Cao Lĩnh không có đủ quỹ đất công để cân đối, Tiểu ban Dồn điền đổi thửa thôn không đưa ra, áp dụng hệ số điều chỉnh, hệ số điều chỉnh phải lớn hơn 1 để áp dụng cho diện tích đất xấu, diện tích đất xa (có khó khăn) trong thâm canh không dùng áp dụng hệ số nhỏ hơn 1 đối với diện tích đất tốt, diện tích đất gần (có thuận lợi).

Do đó, Tiểu ban đã đưa ra định suất để điều chỉnh sự chênh lệch về các yếu tố thuận lợi, khó khăn đối với diện tích đất xa, gần, tốt, xấu nhằm đảm bảo cơ bản về sự công bằng, tương đối giữa các hộ, phù hợp với điều kiện ruộng đồng và tình hình cụ thể tại địa phương; hệ số chênh lệch diện tích đưa ra dân bàn bạc và đại đa số hộ (đại diện hộ) sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tại thôn Cao Lĩnh đã bàn bạc thống nhất tại hội nghị thôn mà không thực hiện xây dựng hệ số "K," để các hộ tự nhận ruộng trên các xứ đồng không tổ chức phân lô, gắp phiếu là chưa thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn số 29/HD-SNN ngày 14/5/2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội về dồn điền đổi thửa; không đưa ra được căn cứ và tiêu chí cụ thể để áp dụng dẫn đến khi giao ruộng có 77 hộ thiếu ruộng theo phương án và 62 hộ thừa ruộng theo phương án.

Do đó, việc phân nhóm đất và áp dụng định suất như trên trong phương án dồn điền đổi thửa của thôn Cao Lĩnh là tự ý thực hiện và không có cơ sở. Để xảy ra tồn tại trên, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo thôn, Tiểu ban Dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh, Ban Chỉ đạo Dồn điền đổi thửa xã giai đoạn 2017-2019. Trách nhiệm chính thuộc về đồng chí Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã; cán bộ địa chính xã; cán bộ phụ trách công tác dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh giai đoạn 2017-2019 trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

ttxvn-don dien doi thua2.jpg
Dự án khu tái định cư X5 chậm tiến độ nhiều năm, lấp hết kênh mương, dẫn tới đồng ruộng ngập băng khi mưa về khiến cây cối, hoa màu chết. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Đối với ý kiến phản ánh của một số hộ dân về việc đổi đất giữa thôn Cao Lĩnh và thôn Đông Hữu trong quá trình dồn điền đổi thửa Ủy ban Nhân dân huyện đã đưa ra kết luận.

Tại buổi làm việc ngày 22/2/2024 của Đoàn xác minh huyện Ba Vì, Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn báo cáo: Giai đoạn từ năm 2007-2010, hai hộ ông Phùng Tiến Trường, bà Phùng Thị Nhung có thầu khoán một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân thôn Đông Hữu và diện tích đất công do Ủy ban Nhân dân xã quản lý để xây dựng đề án, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo Quyết Định số 972/QĐ/UB ngày 9/4/2007 của Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì về việc phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi xã Phú Sơn giai đoạn 2007-2010.

Đến năm 2017, hai thôn Cao Lĩnh và Đông Hữu triển khai công tác dồn điền đổi thửa, hai hộ trên có đề nghị 2 tiểu ban của hai thôn xin được nhận diện tích đất sản xuất nông nghiệp của gia đình được giao theo Quyết định số 250 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây và Nghị định số 64-CP của Chính phủ tại vị trí hiện tại đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Tiểu ban Dồn điền thôn Cao Lĩnh đã thống nhất đổi 5.935m2 đất sản xuất nông nghiệp tại xứ đồng Sở Chảu của thôn Cao Lĩnh lấy 5.935m2 đất sản xuất nông nghiệp tại xứ đồng Vườn Xa của thôn Đông Hữu.

Sau dồn điền đổi thửa, ông Trường nhận 2 thửa trong đó 1 thửa diện tích 3.310m2 tại xứ đồng Vườn Xa và 1 thửa đất xen kẹt gần đất thổ cư của gia đình có diện tích 528m, bà Nhung nhận 1 thửa diện tích 2.625m2 tại xứ đồng Vườn Xa.

Còn đối với phần diện tích đổi tại xứ đồng Sở Chảu, thôn Đông Hữu giao cho 3 hộ theo phương án dồn điền đổi thửa của thôn Đông Hữu (đất quỹ 1) gồm hộ ông Đinh Văn Âm (1.698m), ông Hoàng Văn Lâm (1.110m2) và bà Phùng Thị Chung (700m). Diện tích còn lại địa phương đang quản lý để điều tiết trong quá trình dồn điền của thôn Đông Hữu.

Ngoài diện tích giao cho hộ ông Trường, bà Nhung như trên, Tiểu ban Dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh không giao bất kỳ diện tích nào khác cho 2 hộ.

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì Kết luận việc công dân có đơn tố cáo ông Phùng Nghĩa Thân - Trưởng ban Dồn điền đổi thửa xã Phú Sơn, sai phạm trong công tác dồn điền đổi thửa là tố cáo đúng. Công tác thực hiện dồn điền đổi thửa của xã Phú Sơn đã được Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn, Tiểu ban Dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình thực hiện dồn điền đổi thửa; tuy nhiên, không thực hiện đúng theo Hướng dẫn số 29/HD-SNN trong việc đánh giá mức độ khó khăn, thuận lợi trong canh tác để phân vùng dồn đổi ruộng không có căn cứ, tiêu chí cụ thể để xác định.

ttxvn-don dien doi thua3.jpg
Đồng ruộng thiếu kênh mương, thiếu nước để hoang hóa sau dồn điền đổi thửa tại Phú Sơn (Ba Vì, Hà Nội). (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Đối với việc không áp dụng hệ số "K" khi xây dựng phương án mà thực hiện chỉ dựa trên sự bàn bạc, nhất trí cao của nhân dân tại các hội nghị thống nhất tự nhận ruộng trên các xứ đồng không tổ chức phân lô, gắp phiếu là không thực hiện đúng theo quy định tại Hướng dẫn số 29/HD-SNN về dồn điền đổi thửa của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội; không đưa ra được căn cứ và tiêu chí cụ thể để áp dụng dẫn đến việc có 77 hộ dân bị giảm diện tích và 62 hộ dân tăng diện tích so với diện tích đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 của Chính Phủ và Quyết định số 250 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây.

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn và Tiểu ban Dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Phùng Nghĩa Thân - nguyên Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban Chỉ đạo Dồn điền đổi thửa xã Phú Sơn giai đoạn 2019.

Ủy ban Nhân dân xã Phú Sơn và Tiểu ban Dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh kiểm điểm trách nhiệm có hình thức xử lý nghiêm đối với ông Chu Thanh Hào - nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã; công chức địa chính xã; các thành viên trong Ban Chỉ đạo Dồn điền đổi thửa xã phụ trách thôn Cao Lĩnh giai đoạn năm 2017-2019; Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng thôn, Phó thôn; Tiểu ban Dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh giai đoạn năm 2017-2019.

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì yêu cầu kiểm tra, rà soát, cân đối lại phương án dồn điền đổi thửa của thôn Cao Lĩnh theo Hướng dẫn số 29/HD-SNN về dồn điền đổi thửa của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội và quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Các Phòng Kinh tế huyện, Tài nguyên và Môi trường huyện hướng dẫn Ban Chỉ đạo Dồn điền đổi thửa xã Phú Sơn và Tiểu ban Dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh rà soát lại phương án dồn điền đổi thửa, cân đối lại diện tích giao ruộng đối với các hộ dân đảm bảo theo quy định. Thanh tra huyện đôn đốc các phòng, ban, đơn vị thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện.

ttxvn-don dien doi thua4.jpg
Nhiều quả đồi tại xã Phú Sơn (Ba Vì, Hà Nội) bị múc đất nham nhở. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Liên quan đến đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, đặc biệt là khiếu nại của ông Chu Ngọc Hà về nhiều khuất tất, sai phạm khác tại xã Phú Sơn, Văn phòng Chính phủ đã 3 lần có văn bản chỉ đạo các cấp chính quyền Hà Nội xem xét xử lý trả lời đơn thư công dân.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã nhiều lần truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố. Gần đây nhất, ngày 6/3/2024, Ban tiếp công dân của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản số 35/BTCD-TH gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì xem xét giải quyết đơn thư của ông Chu Ngọc Hà. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, những kiến nghị của ông Chu Ngọc Hà vẫn chưa được chính quyền huyện ra kết luận trả lời đơn thư.

Từ việc sai phạm trong dồn điền đổi thửa tại xã Phú Sơn đã dẫn tới hệ lụy trong thời gian dài khoảng 5 năm vừa qua đồng ruộng nơi đây để hoang hóa, cỏ mọc um tùm, người dân không có đất đai, không có nguồn nước để sản xuất do không xác định được diện tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục