Hàng loạt các vấn đề “nóng” của giao thông thủ đô như ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đường sắt, xã hội hóa các bến và bãi đỗ xe, đăng kiểm… của thành phố Hà Nội đã được các cơ quan chức năng bàn cách tháo gỡ.
Tại buổi làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về công tác đầu tư hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông thủ đô, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 91 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải khách bằng taxi với hơn 17.600 xe, khoảng 20.000 lái xe. Trong quý 1/2015, lực lượng chức năng đã kiểm tra xử phạt 1.100 trường hợp, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề quản lý hoạt động doanh nghiệp, số lượng taxi và quản chặt luồng tuyến các bến xe khách như thế nào vẫn được các đại biểu tham dự bàn luận tại cuộc họp.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, thành phố đã rà soát, điều tiết cân đối số lượng xe taxi ở các khu vực trên địa bàn thủ đô.
Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, cơ quan Nhà nước cần quản lý, siết chặt lại hoạt động của xe taxi trên địa bàn Hà Nội.
“Nên tổ chức đấu thầu trong hoạt động taxi. Với số lượng 91 doanh nghiệp taxi như hiện nay là nhiều, nên rút gọn còn từ 10-20 doanh nghiệp. Như vậy, chất lượng dịch vụ tốt hơn, hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước cũng thuận tiện hơn,” Đại tá Đào Thanh Hải nhận định.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đang có 563 tuyến vận tải hành khách cố định với hơn 4.000 xe; 10 bến xe khách liên tỉnh; 7.865 xe/3.506 doanh nghiệp, hộ cá thể, hợp tác xã được cấp phép và đang hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe hợp đồng.
Đối với loại hình vận tải khách này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh một số quy định theo hướng quản lý chặt chẽ hơn như rút ngắn thời gian phù hiệu hợp đồng. Hiện, thời gian cấp phù hiệu theo thời hạn Giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải là 7 năm.
Về hoạt động của các bến xe, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra quan điểm: “Đối với các bến xe, nên cổ phần hóa 100% thì mới tốt được, hướng tới đấu thầu luồng tuyến cố định để công khai minh bạch.”
Bổ sung thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng gợi ý Hà Nội nên cổ phần hóa 100%, để tư nhân làm chất lượng, dịch vụ tốt hơn.
“Nhà nước chỉ kiểm tra, kiểm soát. Các trung tâm đăng kiểm, bến xe của Hà Nội nên mạnh dạn xã hội hoá 100%, rút hết vốn để tái đầu tư,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Sau khi nghe hàng loạt các ý kiến từ các ban ngành, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Hà Nội phối hợp với Bộ rà soát lại chiến lược quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn phù hợp với chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giao thông cũng đề nghị phía Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần tiếp tục quan tâm công tác giải phóng mặt bằng những dự án giao thông đang triển khai trên địa bàn.
“Giải phóng mặt bằng tốt sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và đặc biệt là không dẫn đến đội vốn,” Bộ trưởng khẳng định.
Liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, nếu không có giải pháp lâu dài sẽ dễ dẫn tới tình trạng tái ùn tắc như thời gian trước.
“Hà Nội triển khai bãi đỗ xe ngầm quá chậm. Phải tạo cơ chế cho nhà đầu tư làm. Nếu không xử lý được giao thông tĩnh thì không đường sá nào có thể chịu nổi với tốc độ tăng trưởng xe như hiện nay? Cái này hoàn toàn có thể xã hội hóa mạnh mẽ được, cần làm rất nhanh,” Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra giải pháp./.