Giai đoạn 2021-2025, bằng nguồn vốn ngân sách, Hà Nội đầu tư nâng cấp một số tuyến đường giao thông khung, công trình thủy lợi quan trọng; trong đó có dự án nâng cấp đường 70, đoạn Nhổn-Đại lộ Thăng Long và dự án nâng cấp tuyến đường 70, đoạn Hà Đông-Văn Điển.
Đây là niềm vui của chính quyền và người dân, đặc biệt những nơi hai tuyến đường chạy qua.
Tuyến đường 70, đoạn Nhổn-Đại lộ Thăng Long dài hơn 3km chạy qua địa bàn quận Nam Từ Liêm, kết nối với nhiều khu đô thị lớn và khu công nghiệp như Khu đô thị sinh thái Xuân Phương, Khu đô thị Foresa, Khu đô thị Dream Town, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm… có tổng mức đầu tư hơn 2.823 tỷ đồng.
Cùng với dự án nâng cấp đường 70 đoạn Nhổn-Đại lộ Thăng Long, dự án nâng cấp đường 70, đoạn Hà Đông-Văn Điển chiều dài khoảng 3,7km có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.800 tỷ đồng. Đoạn tuyến đường 70, Hà Đông-Văn Điển chạy qua nhiều khu đô thị như Đại Thanh, Xa La và nhiều bệnh viện, trường học lớn lân cận.
Tháng Sáu vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2670/QĐ-UBND về việc cho phép thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư một số tuyến đường giao thông khung, công trình thủy lợi quan trọng trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện đầu tư giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách thành phố; trong đó có tuyến đường 70, đoạn Nhổn-đại lộ Thăng Long và tuyến đường 70, đoạn Hà Đông-Văn Điển.
Đây là 2 tuyến đường giao thông huyết mạch nối Quốc lộ 1A (cũ) với Quốc lộ 6 và kết nối nhiều khu đô thị lớn và khu công nghiệp, huyện Hoài Đức và nội thành nhưng đều trong trình trạng hư hỏng, xuống cấp và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
[Vành đai 4 Thủ đô: Sớm thi công để giảm ùn tắc, tạo liên kết vùng]
Tuyến đường 70, đoạn Nhổn-Đại lộ Thăng Long có chiều dài hơn 3km chạy qua địa bàn quận Nam Từ Liêm, kết nối với nhiều khu đô thị lớn và khu công nghiệp như Khu đô thị sinh thái Xuân Phương, khu đô thị Foresa, khu đô thị Dream Town, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm…
Với sự gia tăng dân số từ các khu đô thị, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này cũng không ngừng tăng lên, khiến nhiều đoạn đường xuống cấp, thường xuyên ùn tắc.
Hằng ngày phải qua đoạn đường này để đến cơ quan, chị Lê Thu Hà ở Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm chia sẻ, phương tiện qua lại rất đông; trong đó, xe trọng tải nặng chạy nhiều khiến đường hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Trên đường, nhiều khúc cua khuất tầm nhìn dễ xảy ra tai nạn giao thông. Nút cổ chai trên đường giao thông hỗn loạn.
Tương tự, trên tuyến đường 70, đoạn Hà Đông-Văn Điển, trình trạng ùn tắc giao thông còn xảy ra trầm trọng hơn. Là tuyến đường chính kết nối Quốc lộ 1A (cũ) với Quốc lộ 6, đường 70, đoạn Hà Đông-Văn Điển, hàng ngày có hàng nghìn lượt phương tiện chạy qua; trong đó có nhiều xe siêu trường, siêu trọng.
Đặc biệt từ khi nhiều khu đô thị, tòa nhà cao tầng, bệnh viện, trường học mọc lên trong khu vực, tình trạng ùn tắc giao thông trên đường 70, đoạn Hà Đông-Văn Điển càng trở nên nghiêm trọng...
Anh Quốc Huy ở quận Hoàng Mai cho biết mỗi khi có việc phải qua tuyến đường này anh đều phải tránh đi vào giờ cao điểm, nhất là buổi trưa để khỏi bị kẹt xe. Có lúc, hàng đoàn ôtô, xe máy chen chúc trên đường cả đoạn dài, phải chôn chân trong khói bụi, tiếng ồn giữa trời nắng gắt rất khó chịu.
Trên đường 70, đoạn Hà Đông-Văn Điển tồn tại một số điểm ùn tắc giao thông trầm trọng vào các giờ cao điểm như trước cổng Bệnh viện K (cơ sở 3 Tân Triều), nút giao giữa đường 70 và đường Chu Văn An... Gần đây có thêm đoạn qua cầu Tó (nút giao ngã tư Kim Giang-Phan Trọng Tuệ).
Tình trạng tuyến đường hư hỏng, xuống cấp và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại cũng như đời sống người dân trong khu vực. Do đó, người dân mong mỏi thành phố sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, hiện tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông ở Hà Nội còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo yêu cầu, tỷ lệ này phải đạt từ 20% đến 26%. Trong khi tốc độ tăng của ôtô khoảng 10,2%/năm, xe máy khoảng 6,7%/năm, vượt gấp nhiều lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng khiến tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp.
Trong 2 quý đầu năm 2021, Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều công trình, dự án cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường. Cụ thể như đưa vào khai thác tuyến đường từ khu đô thị Trâu Quỳ qua đường Dương Xá-Đông Dư đến ga Phú Thụy có tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng, chiều dài hơn 3,4 km, rộng từ 30-40m. Dự án xây dựng tuyến đường đê Hữu Đuống đoạn Dốc Lời-Đặng Xá đến xã Lệ Chi với tổng mức đầu tư hơn 508 tỷ đồng.
Dự án xây dựng tuyến đường đô thị song hành với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, tổng mức đầu tư gần 290 tỷ đồng. Dự án xây dựng tuyến đường gom từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thị với tổng mức đầu tư hơn 407 tỷ đồng.
Các dự án có thời gian thi công, hoàn thành dự kiến khoảng 350-360 ngày… Những tuyến đường này sau khi đưa vào khai thác, sử dụng góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông Thủ đô, giải quyết các điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn./.