Hà Nội hút đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu

Hà Nội đã nhận được nhiều cơ hội hợp tác kinh tế thương mại, nhiều dự án hợp tác song phương, đa phương với khối Liên minh châu Âu.

Ngày 20/2, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có cuộc gặp gỡ và nói chuyện với Cộng đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, Hà Nội đang chỉ đạo và tổ chức nhiều cuộc họp nhằm phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương để trong những năm tới đổi mới các thủ tục thông thoáng hơn và luôn tạo điều kiện hết sức thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, khi nhà đầu tư vào Hà Nội, thành phố sẽ nói rõ các yếu điểm, bật cập ngay từ đầu để các doanh nghiệp tự lựa chọn và quyết định.

Hà Nội sẽ cải cách theo hướng tinh gọn, không rườm rà, nhiều cửa, nhiều con dấu, mà chủ yếu tập trung cho một đơn vị đầu mối để giao dịch, làm thủ tục trong thu hút đầu tư. Trường hợp đơn vị này thực hiện không tốt, có thể phản ánh lên Ủy ban Nhân dân thành phố hoặc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố để giải quyết kịp thời.

Ông Nguyễn Thế Thảo cho biết, Hà Nội đang đà phát triển rất nhanh, thời gian qua đã thu hút rất nhiều các dự án lớn vào địa bàn. Thành phố cũng chú trọng thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế và có quan hệ giao lưu hợp tác với trên 100 thủ đô, thành phố trên toàn thế giới. Trong đó, riêng khối Liên minh châu Âu (EU), Hà Nội đã nhận được nhiều cơ hội hợp tác kinh tế thương mại, nhiều dự án hợp tác song phương, đa phương trên nhiều lĩnh vực.

Tính đến nay, trên địa bàn có khoảng 2.727 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 21,9 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thông tin truyền thông, công nghiệp chế biến, chế tạo, dự án vui chơi giải trí.

Riêng dự án đến từ Liên minh châu Âu, đã có 19 quốc gia, với 290 dự án đầu tư trực tiếp, với số vốn 2,6 tỷ USD. Trong đó, Pháp là nước có số dự án đầu tư lớn nhất với 68 dự án; Đức có 44 dự án; Đan Mạch 42 dự án… Điển hình như các dự án phát triển mạng lưới viễn thông của Vietnammobil; lĩnh vực thương mại như Big C Thăng Long-Pháp; Metro Việt Nam - Đức; Nhà máy bia Đông Nam Á (Đan Mạch)…

Hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp EU trong hai năm 2012-2013 có doanh thu đạt khoảng 25.703 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 1.780 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như Công ty Big C Thăng Long nộp thuế 126 tỷ đồng.

Chủ tịch Hà Nội cho biết, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, Hà Nội tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực có trình độ, công nghệ, chất xám cao, các lĩnh vực y tế, giáo dục…

Khối các nước EU ưu tiên đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh như các ngành dịch vụ chất lượng cao; trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, phát triển các ngành công nghiệp điện tử, tin học; hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, các dự án du lịch khu nghỉ dưỡng cao cấp, đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, một số bệnh viện hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, xử lý ô nhiễm môi trường…

Thành phố Hà Nội cam kết không ngừng tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục