Hà Nội: Nhiều bất cập trong quản lý lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân

Tính đến ngày 30/6, trên địa bàn Hà Nội có 3.788 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, trong đó có 38 bệnh viện, 170 phòng khám đa khoa, 725 cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền...
Hà Nội: Nhiều bất cập trong quản lý lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội mới đây về việc chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Quang Thắng cho biết kết quả giám sát cho thấy công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này còn chưa sát sao, buông lỏng từ cấp thành phố đến cơ sở, đặc biệt là ở cấp xã, phường.

Cá biệt, còn có hiện tượng cán bộ quản lý bao che cho các cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn nên Sở Y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát để hoạt động này đi vào nề nếp.

Tính đến ngày 30/6, trên địa bàn Hà Nội có 3.788 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, trong đó có 38 bệnh viện, 170 phòng khám đa khoa, 725 cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền, 2.855 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế; 7.728 cơ sở hành nghề dược.

Hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại như cơ sở hành nghề không phép; người hành nghề chưa chấp hành nghiêm pháp luật; có các hình thức, phương thức trốn tránh hoặc chống đối tinh vi...

[Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế có lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa]

Theo Sở Y tế Hà Nội, vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân hiện nay là các văn bản pháp luật còn thiếu tính đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn khách quan.

Trong quá trình thực hiện các quy định của Luật, Nghị định, Thông tư, Sở Y tế phải thường xuyên xin ý kiến hướng dẫn bổ sung của Bộ Y tế.

Các tổ chức, công dân cũng gặp khó khăn trong việc đáp ứng các quy định mới khi lần lượt vào các năm 2016, 2017, 2018, Quốc hội, Chính phủ đều ban hành các Nghị định mới liên quan đến hoạt động hành nghề y, dược và có nhiều nội dung thay đổi tác động đến điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề và cấp phép hoạt động.

Bên cạnh đó, mặc dù Sở Y tế đã tập huấn, nhắc nhở, hướng dẫn bằng nhiều văn bản nhưng các cá nhân, tổ chức hành nghề chưa chủ động nghiên cứu và cập nhật văn bản mới.

Cũng tại buổi làm việc nói trên, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh thực tế cho thấy công tác quản lý nhà nước lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, trong đó có cả việc phân cấp chưa rõ ràng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh.

Vì vậy, Sở Y tế cần tăng cường tham mưu về các giải pháp cho Ủy ban Nhân dân thành phố để việc quản lý lĩnh vực này đi vào nề nếp, đặc biệt là vấn đề phân cấp đối với quận-huyện, xã-phường cho phù hợp với thực tế của Thủ đô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục