Hà Nội: Nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm quy định việc cưới xin

Các cán bộ, lãnh đạo, đảng viên nếu vi phạm về thực hiện đều bị nhắc nhở phê bình; tập thể, xem xét đánh giá xếp loại cuối năm và đánh giá bình xét công nhận các danh hiệu văn hóa.
Hà Nội: Nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm quy định việc cưới xin ảnh 1Các cặp đôi trẻ tham dự đám cưới theo nếp sống mới. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Không chỉ là việc hệ trọng trong mỗi gia đình, việc cưới có ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội khi nó trở thành một tục lệ ở nhiều địa phương và là lúc để một số cá nhân thể hiện "điều kiện kinh tế," "khoe các mối quan hệ"... trong đó có cán bộ, đảng viên.

Những hệ lụy mà việc cưới mang lại có thể nhìn thấy rõ và đã kéo dài trong nhiều năm qua.

Chính vì vậy, Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về "Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội" ra đời, đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, bởi nó tạo được nếp sống văn hóa mới, gắn với phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Hình thành nếp văn hóa mới

Sau thời gian triển khai Chỉ thị 11-CT/TU, các lãnh đạo chủ chốt từ thành phố đến các sở ngành, quận huyện và các đơn vị cơ sở tổ chức tiệc cưới cho người thân trong gia đình nghiêm túc, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng.

Đó là, việc tổ chức gọn nhẹ trong gia đình, hạn chế mời cán bộ trong cơ quan, sau khi hoàn thành việc cưới cho con mới gửi thiệp báo hỷ đến bạn bè, đồng nghiệp; không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với thu nhập chung của cộng đồng và cán bộ công chức.

[Hà Nội tiếp tục chống xa hoa, lãng phí, vụ lợi trong đám cưới]

Điển hình: Cựu chiến binh Bùi Văn Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Trung Liệt (Đống Đa), cưới con theo nếp sống mới bằng hình thức tiệc trà.

Tại Thị ủy Sơn Tây, đám cưới của anh Đinh Duy Hưng, nguyên Bí thư Thị đoàn tổ chức bằng tiệc ngọt và báo hỷ.

Tại huyện Ứng Hòa, Phó Bí thư Đoàn xã Trầm Lộng Hà Văn Toán vận động bạn gái và gia đình tham gia lễ cưới tập thể năm 2016...

Bà Bùi Thị Ánh Dương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mê Linh, cho biết Hội đã nhân rộng 36 mô hình "Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang."

Với mô hình "Tiết kiệm trong việc cưới," các chi hội phụ nữ đã vận động được người dân tổ chức 1.378/1.762 đám cưới tiết kiệm, tổ chức ăn uống nội bộ gia đình 25-30 mâm, không đón dâu 2 lần, không ăn lại mặt, không hút thuốc lá...

Hội cũng tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng cách làm hay, mô hình sáng tạo để tuyên truyền việc cưới văn minh gắn với các mô hình tiết kiệm và cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Vì vậy, việc thực hiện việc cưới văn minh trong gia đình các hội viên có chuyển biến tích cực, nhiều gia đình tổ chức theo nếp sống mới.

Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đang quen dần với hình thức tổ chức đám cưới gọn nhẹ, tiết kiệm nhưng trang trọng, ý nghĩa.

Các địa phương tiêu biểu như Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức... chỉ tổ chức tiệc trà, báo hỷ sau cưới, không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ, không làm quá 40-50 mâm cỗ, tổ chức đám cưới tập thể, mỗi đám cưới ủng hộ Quỹ khuyến học của địa phương giá trị một mâm cỗ, đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sỹ.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương xây dựng, triển khai, nhân rộng các mô hình điểm, điển hình, cách làm hay.

Tiêu biểu như Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Quận ủy Ba Đình tổ chức đám cưới tập thể theo nếp sống mới cho 40 cặp đôi; quận Hoàng Mai tổ chức đám cưới tập thể cho 10 cặp bạn trẻ; quận Bắc Từ Liêm xây mô hình cưới 40-50 mâm cỗ, mô hình cưới tiệc ngọt, tiệc trà...

Xử lý nhiều trường hợp vi phạm

Quá trình xây dựng kế hoạch, vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tham gia thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở cũng kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng những điển hình; phê phán, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc; xử lý các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân Gia đình; xử lý cán bộ, đoàn viên, hội viên chưa nghiêm túc chấp hành Chỉ thị và các quy định của địa phương trong việc cưới theo nếp sống văn minh.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường cho biết Hà Đông là đơn vị đầu tiên của thành phố đã cụ thể hóa Chỉ thị 11-CT/TU với các tiêu chí trong Chương trình số 06-CTr/QU về Tiếp tục thực hiện trong việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa.

Tại chương trình, Quận ủy Hà Đông có chế tài xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm trong thực hiện việc cưới, để cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu, đi đầu chấp hành nghiêm chỉnh quy định của chương trình, làm gương cho quần chúng và nhân dân noi theo.

Trong 10 năm qua, Quận ủy đã tiến hành kiểm tra ở 38 tổ chức cơ sở Đảng; các cấp ủy Đảng, chính quyền đã xử lý nghiêm túc một số cán bộ, đảng viên, hội viên vi phạm. Trong đó, một Chánh Thanh tra xây dựng quận xử lý kỷ luật khiển trách bằng hình thức chuyển công tác; hai cán bộ, đảng viên bị miễn nhiệm; năm cán bộ, đảng viên đang công tác bị phường gửi thông báo đến cơ quan; hai đảng viên Đảng ủy và chi bộ bị xử lý kỷ luật Cảnh cáo; ba đảng viên chi bộ khu dân cư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức Khiển trách; bảy đảng viên chi bộ tổ dân phố bị kiểm điểm, nhắc nhở.

Trên địa bàn huyện Thanh Trì có trường hợp một đảng ủy viên là Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã tổ chức cưới cho con đã vi phạm vượt quá số mâm cỗ theo quy định.

Trường hợp này đã bị xử lý kỷ luật hình thức khiển trách về đảng và chính quyền.

Tại quận Long Biên, 182 đám cưới vi phạm nếp sống văn minh đã được các chi hội, đoàn thể nhắc nhở phê bình.

Hàng năm, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các cấp phân công các ngành, thành viên tích cực giám sát, kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.

Các cán bộ, lãnh đạo, đảng viên nếu vi phạm về thực hiện đều bị nhắc nhở phê bình; tập thể, xem xét đánh giá xếp loại cuối năm và đánh giá bình xét công nhận các danh hiệu văn hóa.

Trong những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý rút kinh nghiệm những trường hợp vi phạm được quan tâm thường xuyên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân, trước khi tổ chức đám cưới được tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm tại địa phương; có tác dụng giáo dục tích cực trong việc thực hiện Chỉ thị.

Dù việc thay đổi thói quen là một quá trình lâu dài, song với việc vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó cán bộ, đảng viên là người đi đầu, làm gương cho quần chúng, nhân dân thì việc cưới trên địa bàn Hà Nội sẽ nhiều chuyển biến tích cực.

Tổ chức cưới trang trọng, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh gia đình và những giá trị chuẩn mực của xã hội sẽ tạo giá trị văn hóa mới, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giai đoạn hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục