Hà Nội sẽ là địa phương tiêu biểu về ứng xử văn hóa

Hà Nội phấn đấu trở thành địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, xứng tầm với vị thế là Thủ đô của cả nước.
Tiếp tục xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế là Thủ đô của cả nước, trung tâm văn hóa hàng đầu của khu vực, phấn đấu trở thành địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, là một trong những nhiệm vụ mà Hà Nội xác định tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 15 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 29/5.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Cần thực hiện những biện pháp thích hợp, đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đi vào chiều sâu để văn hóa thấm đẫm trong đời sống người Hà Nội, để nhân dân Thủ đô hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng đời sống văn hóa.

Trong xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch phải lấy nền tảng gia đình làm hạt nhân để giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cần quan tâm đến con em trong nếp sống gia đình, nhà trường và xã hội, văn hóa giao tiếp, ứng xử, tham gia giao thông.”

Hà Nội phấn đấu tạo bằng được bước chuyển biến rõ nét trong nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trên địa bàn, ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thành phố cũng tập trung vào công tác xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm Thăng Long-Hà Nội, đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp cận có chọn lọc các tinh hoa văn hóa nhân loại.

Để thực hiện có hiệu quả những phương hướng này, Hà Nội tập trung xây dựng con người mới với tư tưởng và phẩm chất đạo đức, lối sống mới; xây dựng môi trường văn hóa; phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; đầu tư cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; xây dựng và hoàn thiện thể chế, thiết chế văn hóa….

[Hà Nội chấn chỉnh nạn "chặt chém" lừa đảo du khách]

Bên cạnh tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa của Thủ đô, thành phố sẽ tăng cường định hướng xã hội về giáo dục, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, kỷ cương, kỷ luật đối với các tầng lớp xã hội, đặc biệt trong tầng lớp thanh, thiếu niên, tăng cường thời lượng giáo dục môn đạo đức học, giáo dục công dân từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông.

Thành phố cũng đưa tiêu chuẩn xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa văn minh đô thị trở thành điều kiện bắt buộc trong công tác đánh giá sơ kết, tổng kết thi đua hàng năm của các đơn vị trên địa bàn thành phố.

Hội nghị cũng đánh giá, bên cạnh những mặt đạt được, hiện nay, đạo đức lối sống của một bộ phận xã hội có chiều hướng xuống cấp, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hóa lành mạnh, các hiện tượng tiêu cực, suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp.

Việc giáo dục đạo đức cho tầng lớp thanh thiếu niên chưa được quan tâm đúng mức. Công tác xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” tiến triển chậm, kết quả chưa tương xứng với yêu cầu phát triển văn hóa Thủ đô./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục