Hà Nội ứng dụng thương mại điện tử, đưa hàng Việt bay xa

Hà Nội sẽ ban hành một quyết định riêng về kế hoạch tầm xa ứng dụng thương mại điện tử, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn Thủ đô.
Hà Nội ứng dụng thương mại điện tử, đưa hàng Việt bay xa ảnh 1Một buổi tọa đàm về Phát triển thanh toán trong thương mại điện tử. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trên địa bàn Hà Nội ngày càng phát triển lớn mạnh, đóng góp một phần rất quan trọng cho ngân sách Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay phải đối mặt với tình trạng người Việt không tin dùng hàng Việt, hàng xuất khẩu thì luôn gặp sự kiểm soát khắt khe, tốn kém chi phí, cạnh tranh lớn với doanh nghiệp ngoại.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, hiện nay thành phố có đồng bộ rất nhiều giải pháp, nhưng vấn đề quan tâm trăn trở nhất là phải làm sao để nâng cao chất lượng, uy tín hàng hóa và phải quảng bá hình ảnh đến rộng rãi với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Tuấn cho biết thêm, để giải quyết những trăn trở trên, thành phố ban hành một quyết định riêng về kế hoạch tầm xa ứng dụng thương mại điện tử, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn Thủ đô. Thành phố đang khuyến cáo và khuyến khích mọi doanh nghiệp, mọi người dân tham gia ứng dụng thương mại điện tử, góp phần đưa hàng Việt bay xa.

Lâu nay, điểm yếu kém của không ít doanh nghiệp đó là đầu tư dây chuyền hiện đại, sản xuất hàng hóa chất lượng, giá thành hợp lý, nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường ít được người tiêu dùng biết tới và gặp sự cạnh tranh gay gắt của nhiều mặt hàng cùng loại, thậm chí là hàng nhái, hàng giả. Hạn chế này khắc phục rất chậm, thậm chí nhiều doanh nghiệp loay hoay, không ít doanh nghiệp điêu đứng, giải thể, phá sản hoặc hiệu quả kinh doanh không cao. Trong vài năm kinh tế khó khăn gần đây, có năm cao điểm, có khoảng 10% số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội giải thể, phá sản, tương đương khoảng 15.000-17.000 doanh nghiệp.

Hà Nội đang hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tăng cường xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Năm 2015, Hà Nội sẽ dành hàng tỷ đồng chi phí cho việc ứng dụng thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm hàng hóa truyền thống.

Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, tăng mức lưu chuyển hàng hóa, hướng tới xuất khẩu, Hà Nội sẽ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử; xây dựng các chương trình tập huấn kiến thức cho doanh nghiệp; ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề truyền thống xuất khẩu.

Thành phố cũng chú trọng hỗ trợ ứng dụng các giải pháp bán hàng trực tuyến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề xuất khẩu; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong nước và quốc tế.

Hà Nội đang khuyến khích quảng bá các website thương mại điện tử tiêu biểu; tuyên truyền ứng dụng thanh toán điện tử, chữ ký điện tử, chứng thực điện tử và các biện pháp an toàn thông tin. Triển khai các chương trình, giải pháp để xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm, hàng hóa công nghiệp, dịch vụ chủ lực.

Thành phố cũng sẽ mở cuộc điều tra quy mô rộng đối với các doanh nghiệp và doanh nhân về hiện trạng sử dụng Internet, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng email cá nhân, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, số người nhận đặt hàng trực tuyến, giá trị mua hàng trực tuyến, chi ứng dụng công nghệ thông tin…. Từ đó, thành phố sẽ có những chiến lược phát triển phù hợp với tình hình thực tế.

Trước mắt, để được trợ giúp khó khăn, Hà Nội đang hướng tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quản lý và phát triển thương mại điện tử, tổ chức một số buổi tọa đàm về lĩnh vực này với các hội viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực xây dựng các mối quan hệ đối ngoại chiến lược trên tất cả các lĩnh vực với hơn 100 thủ đô, quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Hàng hóa của doanh nghiệp nội địa xuất khẩu chiếm được uy tín cao ở nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, EU…

Riêng năm 2014, giá trị gia tăng ngành dịch vụ tăng 9,6%. Kim ngạch xuất khẩu có xu hướng phục hồi ở tất cả các khu vực kinh tế với mức tăng cao 11,7%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,1%.

Thành phố đã thực hiện các giải pháp như tăng cầu tiêu dùng như tổ chức tháng khuyến mại quy mô lớn; chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; đưa hàng về nông thôn và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất; liên kết với các tỉnh thành phố trong cả nước tiêu thụ hàng hóa.

Thành phố cũng triển khai hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tham gia hàng chục hội chợ trong và ngoài nước để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục