Hà Nội vẫn còn hơn 3.000ha đất chưa dồn điền đổi thửa

Việc dồn điền đổi thửa giúp bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người nông dân tuy nhiên Hà Nội vẫn còn 3.280ha chưa thực hiện xong việc này.
Hà Nội vẫn còn hơn 3.000ha đất chưa dồn điền đổi thửa ảnh 1Nông dân huyện Ứng Hòa. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Việc dồn điền đổi thửa trên địa bàn Hà Nội không chỉ tạo ra giá trị mới, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp lớn, mà còn giải phóng sức lao động, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người nông dân.

Tuy nhiên đến nay, Hà Nội vẫn còn 3.280ha chưa thực hiện xong dồn điền đổi thửa, nằm rải rác trên địa bàn 49 xã thuộc 11 huyện. Các huyện còn nhiều xã chưa thực hiện như Quốc Oai 800ha nằm ở 6 xã, Đông Anh có 600ha nằm ở 4 xã, Ứng Hòa 534ha nằm ở 4 xã.

Ngoài ra, một số huyện tuy đã thực hiện vượt, hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành kế hoạch dồn điền đổi thửa nhưng ở một số thôn vẫn còn vướng mắc, khiếu kiện vượt cấp, người dân chưa nhận ruộng, thậm chí một số địa phương nhân dân bỏ ruộng hoang không sản xuất.

Nguyên nhân do sự vào cuộc của một số cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác dồn điền đổi thửa chưa tập trung, quyết liệt, còn ngại khó, ngại khổ, chưa tích cực vận động nhân dân.

Công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế, người dân chưa thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của dồn điền đổi thửa.

Công tác dồn điền đổi thửa là việc khó, đòi hỏi cán bộ phải trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phải có tâm huyết, trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhưng thực tế cán bộ làm công tác dồn điền đổi thửa đều là cán bộ kiêm nhiệm, năng lực chuyên môn chưa phù hợp với công việc được giao.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt, để xây dựng nông thôn mới sớm về đích, các huyện cần xây dựng phương án, chỉ đạo thực hiện tháo gỡ những khó khăn cụ thể trong công tác dồn điền đổi thửa, chú trọng lắng nghe các ý kiến đóng góp xây dựng của người dân, tăng cường đối thoại giải thích cho người dân những quyết định, điều khoản theo đúng nội dung của luật.

Bên cạnh đó, các huyện cũng cần ưu tiên việc đào đất, san đều, hướng dẫn sử dụng kinh phí một cách phù hợp, chủ yếu đầu tư cho giao thông nội đồng, những công tác phục vụ cho dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện tốt nhất để hoàn thành dồn điển đổi thửa, tạo thuận lợi cho người dân canh tác.

Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện cần tích cực phối hợp với các xã xây dựng các vùng chuyên canh phù hợp, thành phố sẽ có những hướng dẫn cụ thể để các xã phát huy được điều kiện sãn có ở địa phương.

Sau dồn điền đổi thửa, nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao đã hình thành ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao ra đời như mô hình trồng hoa ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Từ Liêm...; mô hình chăn nuôi tập trung ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Sơn Tây, Ứng Hòa hay nuôi trồng thuỷ sản ở huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Thanh Trì...

Nhờ dồn điền đổi thửa mà diện tích đất sản xuất nông nghiệp dôi dư do phá dỡ vùng bờ thửa và thu hồi được diện tích trước đây đo sai, giao theo Nghị định 64 không đúng.

Đến nay, toàn thành phố đã thu được 1.404ha đưa vào quỹ đất công của các xã, trong đó có những huyện thu được nhiều như Sóc Sơn 811,8ha; Chương Mỹ 115ha; Ba Vì 206ha; Mỹ Đức 71,1ha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục