Hai đại sứ trẻ Việt Nam dự hội nghị quốc tế về hổ

Từ ngày 18-24/11, 2 đại sứ trẻ của Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về Hổ, được WWF tổ chức tại Vladivostok, Nga.
Tin từ WWF Việt Nam cho biết, từ ngày 18-24/11, hai đại sứ trẻ của Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về Hổ, được WWF tổ chức tại Vladivostok, Nga.

Các đại sứ của Việt Nam là Lê Minh Quốc, sinh năm 1989, sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin (Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh). Minh Quốc từng tham gia rất nhiều hoạt động trao đổi văn hóa và tình nguyện như Chương trình Trao đổi sinh viên 2009, Mùa hè Xanh, Chạy đua thế giới (World Race), Giờ Trái đất 2010…

Đại sứ thứ hai là Đoàn Hoàng An, sinh năm 1985, sống tại Hà Nội. Cô tốt nghiệp Đại học Saint Benedict (Mỹ) với chuyên ngành Nhân văn học. Hoàng An từng tham gia các diễn đàn trẻ quốc tế như Hình mẫu Liên hợp quốc tại Boston, Mỹ và Phụ nữ với vai trò lãnh đạo toàn cầu tại Abu Dhabi (Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất)…

Hai gương mặt này đã vượt qua hơn 500 ứng viên đăng ký cho vị trí đại sứ trẻ của Việt Nam, do WWF và Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học (Tổng cục Môi trường) tuyển chọn.

Được biết, Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về Hổ sẽ quy tụ các đại sứ trẻ (tuổi đời từ 18-25) đến từ 13 quốc gia còn hổ sinh sống và từ những quốc gia không có hổ nhưng đang hoạt động để cứu loài hổ.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại sứ sẽ đi thăm khu vực hổ sinh sống và nơi có dấu vết của hổ Amua, thu lượm thông tin từ  kinh nghiệm của bản thân về tình trạng của quần thể hổ sống ngoài tự nhiên cũng như các biện pháp cần thiết để bảo tồn hổ.

Cũng theo WWF, mục tiêu chính của hội nghị là xây dựng một Tuyên bố Trẻ về bảo tồn hổ. Tuyên bố này sẽ được trình chiếu tại Diễn đàn Quốc tế cấp cao về Hổ của các nhà lãnh đạo quốc gia, được tổ chức bởi Thủ tướng Nga Vladimir Putin tại St Petersburg (từ 21 – 24/11).

Đây là hội nghị cấp nguyên thủ đầu tiên tập trung vào một loài vật đơn lẻ. Hội nghị này sẽ đề ra nền tảng để thay đổi các tiến trình của bảo tồn hổ. Bên cạnh việc thông qua Kế hoạch Phục hồi Hổ Toàn cầu, các nguyên thủ cũng sẽ ra Tuyên bố chung./.
Loài hổ kêu cứu

Kết quả phân tích về tình trạng săn bắt hổ của TRAFFIC (mạng lưới kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã) cho thấy, từ tháng 1/2000 đến tháng 4/2010, các bộ phận của khoảng từ 1.069 đến 1.220 con hổ đã bị thu giữ  tại 11 trong số 13 nước có hổ.

Nói cách khác, trung bình có từ 104 đến 119 con hổ bị săn bắt mỗi năm.


Hiện nay, số lượng hổ hoang dã đang dần bị suy giảm  do cộng hưởng của nạn săn trộm và buôn bán trái phép động vật... Nếu thế kỷ trước, thế giới có khoảng 100.000 con hổ hoang dã thì ngày nay chỉ còn khoảng 3.200 con.
Phương Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục