Đàm phán quân sự có thể là cuộc đối thoại chính thức đầu tiên giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sau chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên, trong đó có cả em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Hàn Quốc.
Đây là nhận định của một quan chức thuộc Phủ tổng thống Hàn Quốc đưa ra khi trả lời hãng thông tấn Yonhap ngày 13/2.
Theo quan chức trên, hai miền Triều Tiên có thể thúc đẩy những gì hai bên đã nhất trí. Nhiều khả năng đầu tiên họ sẽ tổ chức đàm phán quân sự cấp chuyên viên, sau đó nâng dần cấp đàm phán.
Quan chức này cũng cho rằng viện trợ nhân đạo có thể bị gạt sang một bên do Triều Tiên từ chối điều này.
Trong những tuần gần đây, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang ấm lên nhanh chóng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ trong thông điệp Năm mới về việc nước này sẵn sàng tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang.
[Mỹ tuyên bố sẽ sớm áp đặt thêm các lệnh trừng phạt Triều Tiên]
Trong cuộc đàm phán tháng trước, Triều Tiên không chỉ nhất trí tham gia Olympic PyeongChang, mà còn nhất trí tiến hành đàm phán quân sự. Tuy nhiên, hai bên chưa quyết định thời gian tổ chức cuộc đàm phán cấp chuyên viên này.
Trong khi đó, tờ Washington Post số ra ngày 12/2 đăng tải bài phỏng vấn Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi ông trên chuyên cơ trở về nước sau khi tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang ở Hàn Quốc, trong đó khẳng định Mỹ sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Triều Tiên trong khi vẫn duy trì việc gây sức ép tối đa nhằm buộc nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân.
Phó Tổng thống Pence khẳng định quan điểm của Washington là sẽ không dỡ bỏ việc gây áp lực cho đến khi Bình Nhưỡng thể hiện động thái mà các đồng minh của Mỹ cho là bước đi có ý nghĩa hướng đến phi hạt nhân hóa.
Vì vậy, chiến dịch gây áp lực tối đa vẫn đang được duy trì và tăng cường. Tuy nhiên, nếu Triều Tiên muốn đối thoại, Mỹ cũng sẽ đối thoại.
Phó Tổng thống Pence gọi hình thức này là "gây sức ép và can dự cùng thời điểm."
Tờ Washington Post coi đây là "một sự thay đổi quan trọng" so với quan điểm trước đây của Mỹ, theo đó, các đồng minh và đối tác của Mỹ gây sức ép tối đa cho đến khi Bình Nhưỡng có những nhượng bộ thực sự và chỉ can dự trực tiếp sau đó.
Các nguồn tin cho biết trong thời gian ở châu Á, Phó Tổng thống Pence hàng ngày đều tham vấn Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cũng trong ngày 13/2, phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho biết trong cuộc gặp bên lề lễ khai mạc Olympic PyeongChang, ông và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhất trí cần phải duy trì việc gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên./.