Hai mục tiêu quan trọng của Mỹ trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Chính quyền ông Biden cần khôi phục lòng tin với các đồng minh và cải tổ quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương để ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa và các ưu tiên chiến lược mà Mỹ đã xác định.
Hai mục tiêu quan trọng của Mỹ trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà nghiên cứu chính trị Martin-Quencez, Phó giám đốc tổ chức Quỹ German-Marshall tại Paris (tổ chức phi chính phủ chuyên về tư vấn chính sách công và tài trợ của Mỹ trong thúc đẩy hợp tác và hiểu biết giữa Bắc Mỹ và châu Âu) vừa có bài viết đăng trên trang specialdefense.over-blog.com đề cập đến quan điểm của Mỹ xung quanh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nội dung như sau:

Việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ đã xóa tan những mối quan ngại của các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden thực sự nổi lên như một người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương trung thành, quyết tâm hợp tác chặt chẽ với các đối tác truyền thống của Mỹ.

Chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden lần đầu tiên được hình thành như một phản ứng đối với cựu Tổng thống Donald Trump cũng như thái độ thù địch của ông Trump đối với các liên minh.

Quan điểm của Tổng thống Biden là muốn tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các tổ chức đa phương và tăng cường hợp tác với các nước có cùng giá trị và cùng lợi ích.

Điều này được thể hiện trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại của ông Biden ngay sau khi nhậm chức, theo đó “các liên minh là tài sản chính của Mỹ.”

Sau 4 năm xung đột trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đặt ra một thách thức cụ thể đối với chính quyền mới của Mỹ.

Chính quyền của ông Biden cần khôi phục lòng tin với các đồng minh và cải tổ quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương để ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa và các ưu tiên chiến lược mà Mỹ đã xác định.

[Mỹ-Đức khẳng định tầm quan trọng của liên minh xuyên Đại Tây Dương]

Do vậy, Mỹ hiện phải thực hiện hai mục tiêu quan trọng: (i) Gạt bỏ những dư chấn của chính quyền ông Trump; (ii) Phát triển hợp tác với châu Âu bất chấp những bất cân bằng và bất đồng cấu trúc trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Để làm được điều này, trước hết Mỹ phải đối phó với vấn đề khủng hoảng niềm tin. Ưu tiên của Tổng thống Biden cả trong chính trị trong nước và quốc tế là phá bỏ di sản của người tiền nhiệm.

Đề cập đến các bước đi trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Biden cam kết sẽ "hoàn tác những thiệt hại do ông Trump gây ra." Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và Liên minh châu Âu (EU) từng là một trong những mục tiêu công kích của ông Trump khi ông cáo buộc châu Âu lạm dụng sự ngây thơ của người Mỹ và châu Âu chính là đối thủ thương mại hay thậm chí các đối tác châu Âu là đồng minh “bất công” và “vô ơn.”

Ở châu Âu, các nhà lãnh đạo khu vực cho rằng 4 năm cầm quyền của ông Trump đã làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin của các đồng minh Mỹ. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền của Tổng thống Biden là khôi phục mối quan hệ bình thường với châu Âu.

Thực tế cho thấy, Tổng thống Joe Biden đã tương tác rộng rãi với các đồng minh châu Âu, cả trong những năm làm việc tại Thượng viện. Sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Biden tiếp tục lựa chọn các nhân vật có kinh nghiệm trong các vấn đề đối ngoại với châu Âu vào các vị trí chủ chốt, trong đó có Jake Sullivan, Anthony Blinken, John Kerry hay Victoria Nuland.

Đây là những nhân vật được kỳ vọng sẽ mang lại tính chuyên nghiệp và khả năng dự đoán cho chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng niềm tin giữa Mỹ và châu Âu cũng đòi hỏi những nỗ lực tháo gỡ xuyên suốt. Sau nhiều năm tuyên bố gay gắt và thái độ thù địch công khai củaông Donald Trump, chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải chú trọng đến những luận điệu mang tính ngoại giao nhiều hơn, nếu không muốn nói là sự đồng thuận.

Mỹ tiếp tục tái khẳng định việc đảm bảo về an ninh cho châu Âu, vấn đề được đề cập cụ thể trong Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, đồng thời loại bỏ chủ trương về một "cuộc chiến thương mại."

Đặc biệt là Tổng thống Biden sẽ bác bỏ cách tiếp cận mang tính thỏa hiệp của người tiền nhiệm, thay vào đó nhấn mạnh vào các nguyên tắc đoàn kết giữa các đồng minh: “Liên minh xuyên Đại Tây Dương vượt ra ngoài vấn đề tiền bạc; sự giao kết của Mỹ là thiêng liêng, không mang tính giao dịch.”

Tình hình trên cho thấy hành động của Tổng thống Biden đối với châu Âu chính là sửa chữa và khôi phục mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Chính quyền ông Biden sẽ thực hiện chủ trương "thiết lập lại" quan hệ đối tác với châu Âu.

Trước mắt, đây chính là một trong những ưu tiên của Mỹ. Kể từ năm 2021, một số cuộc họp và hội nghị thượng đỉnh chắc chắn sẽ thể hiện sự trở lại này của Mỹ trong vai trò lãnh đạo của Liên minh.

Tiếp theo, Mỹ sẽ thực hiện chủ trương "xoay trục sang châu Âu" như một đòn bẩy cho chính sách quốc tế. Sở dĩ ông Biden có ý định nhanh chóng tái đầu tư vào mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trước hết là vì vấn đề hợp tác hòa bình với châu Âu là điều kiện để thành công trong chương trình chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tầm nhìn của chính quyền ông Biden khác với ông Trump chủ yếu là ở các cấp độ từ những mối đe dọa, tầm quan trọng của các giá trị dân chủ và cách tiếp cận ngoại giao.

Ngoài cạnh tranh với Trung Quốc, những thách thức mang tính xuyên quốc gia, nhất là sự nóng lên của khí hậu, được coi là những thách thức chính đối với an ninh của Mỹ. Thêm nữa là vấn đề chống tham nhũng, quản trị kỹ thuật số và thúc đẩy quyền con người.

Những ưu tiên của Mỹ thường được đề cập trong các phát biểu của Tổng thống Joe Biden. Các liên minh mà ông Biden mong muốn thành lập để đáp ứng những thách thức của thế kỷ XXI được xác định bằng việc chia sẻ các giá trị tự do và dân chủ chung.

Để điều chỉnh các nguyên tắc trong chính sách đối nội và đối ngoại, chính quyền Tổng thống Biden mong muốn chống lại sự suy giảm của những giá trị này không chỉ ở Mỹ, mà còn cả ở các quốc gia đồng minh cũng như phần còn lại của thế giới.

Khác với ông Trump, ông Biden chú trọng đến việc tăng cường các phương tiện ngoại giao thay vì ủng hộ các công cụ quân sự. Sự tái cân bằng này từng được đề cập trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Obama, theo đó Mỹ sẽ tăng quỹ viện trợ phát triển, tái tham gia trong các tổ chức đa phương và thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế.

Tất cả những nguyên tắc trên có mục tiêu là làm cho một đồng minh châu Âu trở nên cần thiết trong việc thực hiện chương trình hành động của Tổng thống Biden. Các giá trị mà Tổng thống Biden thúc đẩy đang đặt châu Âu vào trọng tâm chính sách của chính quyền Mỹ hiện nay.

Ưu tiên dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và các mối đe dọa xuyên quốc gia cũng khiến EU trở thành đối tác chính của chính quyền ông Biden.

Trong khi vấn đề hợp tác quân sự vẫn chỉ là thứ yếu, các thể chế châu Âu thực sự có thể thu lợi trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thông qua việc tập trung vào các ưu tiên mới.

Hy vọng của EU là Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể mang đến cho các đồng minh châu Âu những đòn bẩy ảnh hưởng mới. Việc cải tổ quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương là cơ hội để tái cân bằng mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Việc Mỹ "xoay trục" sang châu Âu không phải là không có toan tính. Chính sách của ông Biden thường sẽ đi kèm với kỳ vọng lớn là tìm kiếm sự hỗ trợ kinh tế và chính trị cho chương trình nghị sự của mình từ người châu Âu. Áp lực sẽ càng quan trọng hơn vì cần phải mang lại kết quả nhanh chóng.

Đối phó với Trung Quốc, Mỹ muốn thấy các đồng minh công kích Trung Quốc nhiều hơn: giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc hay công khai lên án các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Tuy nhiên, làm theo Mỹ, châu Âu cũng sẽ chịu thiệt hại khi các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu bị hạn chế.

Trên bình diện quốc tế, các đồng minh của Mỹ cũng có vai trò trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Đối với Mỹ, sự hiện diện quân sự của châu Âu (chủ yếu là Pháp và Anh) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục có giá trị biểu tượng quan trọng.

Mỹ cũng sẽ khuyến khích ý tưởng phối hợp tốt hơn các chính sách viện trợ phát triển để đưa ra các giải pháp thay thế cho các quốc gia được Trung Quốc đầu tư đáng kể, đặc biệt là ở châu Phi.

Tuy nhiên, chính quyền ông Biden cũng có thể gặp khó khăn khi các chính sách của châu Âu và Mỹ nhìn nhận những vấn đề này khác nhau, như là việc ký kết Hiệp định đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc gần đây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải đối mặt với các mục tiêu dường như mâu thuẫn: trấn an các đồng minh châu Âu, đồng thời gia tăng áp lực để gắn kết họ hơn với các ưu tiên của Mỹ.

Giữa xu hướng "người theo chủ nghĩa phục chế" (muốn quay trở lại cách tiếp cận trước ông Trump) và người theo chủ nghĩa cải cách (thích vạch ra một lộ trình mới), chính quyền ông Biden sẽ phải tìm ra sự cân bằng phù hợp.

Tham vọng cải cách này sẽ đòi hỏi một liều lượng sáng tạo thực sự để thay đổi một mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mà dường như thường bị mắc kẹt vào những khuôn mẫu thịnh hành sau Chiến tranh Lạnh.

Hai nhiệm kỳ của ông Obama có thể coi như một lời cảnh báo. Ông Obama từng kỳ vọng điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ và các liên minh trước những thách thức lớn của thế kỷ, song đã phải thất vọng và thậm chí còn bị làm cho thất vọng trước thái độ của các đối tác châu Âu.

Mặc dù hầu như các thành viên của chính quyền Biden đều đã từng phục vụ dưới thời ông Obama, nhưng nay họ lại phải chứng tỏ có thể tránh được những cạm bẫy tương tự.

Trái lại, rất có thể Mỹ sẽ đặt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào hình thức tiến triển tự nhiên. Không giống như ông Trump, Tổng thống Biden sẽ không đặt vấn đề về cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu và NATO, nhưng sẽ tiếp tục yêu cầu châu Âu chia sẻ gánh nặng nhiều hơn.

Khả năng Hiệp ước thương mại tự do, một vấn đề phức tạp ở Mỹ cũng như ở châu Âu, sẽ bị gạt sang một bên về mặt ngoại giao, trong khi hợp tác về các vấn đề chiến lược của Trung Quốc, khí hậu và kỹ thuật số sẽ vẫn bị hạn chế do các lợi ích kinh tế và công nghiệp khác nhau.

Cuối cùng, sự thành công trong tầm nhìn của Tổng thống Mỹ Joe Biden về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ phụ thuộc phần lớn vào các quyết định của người châu Âu. Ủy ban châu Âu đã mô tả chính quyền Biden là "một cơ hội chỉ xuất hiện một lần trong một thế hệ."

Châu Âu cần phải tranh thủ Joe Biden để củng cố lại các mối quan hệ đồng minh trước những thách thức toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục