Phương Tây vẫn 'đồng sàng dị mộng' trong chính sách với Trung Quốc

Dư luận cho rằng chiến lược hợp tác kinh tế Mỹ-EU để cùng chống Trung Quốc sẽ không khả thi chừng nào những “điểm nóng” trong tranh chấp thương mại giữa Washington và Brussels chưa được giải quyết.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (phải) tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ ngày 15/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (phải) tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ ngày 15/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng channelnewsasia.com, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa kết thúc chuyến công du 8 ngày tới châu Âu để tham dự ba sự kiện quan trọng cùng các đối tác tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU.

Những cuộc gặp nói trên đóng vai trò chính trị quan trọng để Washington tái khẳng định với các đồng minh và với thế giới rằng “Nước Mỹ đã trở lại.”

Washington sẽ ưu tiên hàn gắn liên minh xuyên Đại Tây Dương, trong đó gồm cả việc tạo dựng sự đồng thuận về cách thức kiềm chế Trung Quốc.

Công kích Trung Quốc

Hội nghị G7 giành được sự quan tâm của báo chí không chỉ vì những bức ảnh thể hiện tình bạn thân thiết giữa các lãnh đạo của các nền dân chủ giàu nhất thế giới, mà còn vì bản tuyên bố chung “công kích Trung Quốc.”

Tuyên bố chung của hội nghị yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng nhân quyền tại Tân Cương và quyền tự do tại Hong Kong, kêu gọi một cuộc điều tra minh bạch về nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan, và thậm chí đề cập tới các quan ngại an ninh tại Biển Đông.

Ngoài bản tuyên bố chung nói trên, các quốc gia G7 còn ký một Tuyên bố Xã hội Mở với 4 quốc gia được mời là Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc và Nam Phi nhằm tái khẳng định “niềm tin chung đối với các xã hội mở, các giá trị dân chủ và chủ nghĩa đa phương.”

Nhìn vào những mục tiêu đặt ra, chúng ta dễ dàng nhận ra thông điệp chiến lược mà các hội nghị muốn truyền tải: Cảnh báo Trung Quốc.

Trung Quốc nhận thức được điều này và đã phản ứng ngay lập tức. Bắc Kinh cảnh báo các lãnh đạo G7 rằng “thời kỳ một nhóm ‘nhỏ’ các quốc gia quyết định vận mệnh cả thế giới đã qua từ lâu.”

Tuy nhiên, những “lùm xùm” ngoại giao đó đã không thể che đi thành quả mà Hội nghị G7 đã đạt được: cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo.

Thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các quốc gia G7 còn chi 100 tỷ USD cùng nhiều nguồn tài tài trợ khác để hỗ trợ Sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W). B3W được coi là sáng kiến thay thế Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Ngoài việc thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu đại dịch, B3W còn đem lại sự minh bạch và cơ chế thông thoáng hơn cho các hoạt động đầu tư vào cảng biển, đường sá và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Nỗ lực to lớn nhằm cùng các đối tác chiến lược xây dựng một “ranh giới chúng” ngăn cách với Trung Quốc sẽ đòi hỏi các quốc gia G7 phải điều hòa những lợi ích khác nhau. Đây là một công việc không hề dễ dàng.

Chủ nghĩa dân tộc vaccine

Cam kết viện trợ vaccine của Nhóm G7 đã vấp phải chỉ trích. Những người chỉ trích cho rằng Nhóm G7 chỉ viện trợ trực tiếp 870 triệu liều vaccine, trong đó chỉ một nửa được cung cấp trong năm nay và bao gồm cả các cam kết trước đây.

Như vậy, cam kết của Nhóm G7 dường như chưa hoàn thành, đặc biệt là khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định cần 11 tỷ liều vacine để kết thúc đại dịch. WHO cũng cảnh báo “vaccine cần ngay bây giờ, không phải sang năm.”

Theo báo cáo của giới truyền thông, tính theo số liều vaccine đã được tiêm, chênh lệch giữa các quốc gia G7 và các quốc gia thu nhập thấp (theo định nghĩa của Ngân hàng thế giới) là 73 lần. Câu hỏi đặt ra là tại sao các nền dân chủ có tầm ảnh hưởng lại chưa thể huy động đủ số liều vaccine.

[Ông Biden "ghi bàn" khi triển khai chính sách đa phương với Trung Quốc]

Hơn nữa, các quốc gia G7 hiện vẫn chưa thể quyết định liệu có nên miễn áp dụng bảo hộ sở hữu trí tuệ đối vaccine ngừa COVID-19 hay không sau khi một số quốc gia như Ấn Độ và Nam Phi đưa ra đề xuất tại WHO và nhận được sự ủng hộ từ Mỹ.

Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội này để gắn mác những hành động kể trên là “chủ nghĩa dân tộc vaccine,” bất chấp những tranh cãi xung quanh các điều kiện do Bắc Kinh đặt ra đối với hoạt động cung cấp vaccine Sinopharm, cũng như những lo ngại về hiệu quả của vaccine này.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ tăng cường nguồn cung cho Đông Nam Á, Mỹ Latinh và một số quốc gia châu Phi khác. Với việc WHO phê chuẩn Sinopharm và dự kiến cả Sinovac trong tương lai, Trung Quốc khẳng định có thể sản xuất tới 5 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay.

Thách thức với B3W

Các chuyên gia đã chỉ ra lý do sáng kiến B3W sẽ vấp phải nhiều thách thức trên thực tế. Theo nhóm chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược có trụ sở tại Mỹ, khoản đầu tư 100 tỷ USD nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng và bền vững cho các quốc gia đang phát triển sẽ cần “sự hưởng ứng từ lãnh đạo của các quốc gia này.”

Cụ thể, sáng kiến này cần thu hút và thuyết phục được các quốc gia đang phát triển, nhất là trong bối cảnh “các dự án của B3W sẽ công khai hơn, chi phí trả trước cao hơn, và tiến độ lâu hơn.”

Điều này hoàn toàn trái ngược với phương pháp của Trung Quốc, “vốn thường cam kết tiến độ nhanh và chi phí trả trước thấp.”

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mặc dù B3W được kêu gọi từ nguồn vốn tư nhân, quy mô của sáng kiến này rất đáng kinh ngạc: một mình châu Á đã cần tới 26.000 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng đến năm 2030.

Trong khi đó, theo Trung tâm Sáng kiến “Vành đai và Con đường Xanh,” Trung Quốc đã đầu tư hơn 770 tỷ USD tính từ khi BRI được triển khai năm 2013.

Biến đồng thuận thành chính sách

Cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trong việc cung cấp vaccine và tài trợ cơ sở hạ tầng rõ ràng là một hành động vô bổ và phi thực tế. Hơn nữa, nhiệm vụ khó khăn hơn hiện nay đó là biến sự đồng thuận trở thành hợp tác thực tế.

Ví dụ, Armin Laschet, người có khả năng trở thành tổng thống sắp tới của nước Đức, “đã cảnh báo về hiểm họa một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc, và tán đồng quan điểm của Angela Markel rằng Bắc Kinh là đối thủ hệ thống nhưng cũng là đối tác.”

Laschet cho biết nhiều người tại châu Âu hoài nghi “thái độ diều hâu của Biden đối với Trung Quốc.” Merkel từ lâu luôn thận trọng bởi mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh có thể bị tổn hại nếu nổ ra chiến tranh thương mại.

Mới đây, sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU, nhiều nhà bình luận đã chỉ ra rằng chiến lược hợp tác kinh tế giữa Washington và Brussels để cùng chống Trung Quốc sẽ không khả thi chừng nào những “điểm nóng” trong tranh chấp thương mại hiện nay giữa Mỹ và EU chưa được giải quyết.

Việc thành lập một liên minh công nghệ mới cũng nằm trong số những kế hoạch tham vọng của Washington và Brussels.

Hội nghị G7 là bước đi đầu tiên nhằm tạo dựng sự đồng thuận trong chính sách Trung Quốc giữa các nền dân chủ tiên tiến nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, thế giới vẫn đang tiếp tục theo dõi làm cách nào các quốc gia G7 điều hòa những bất đồng xung quanh việc đối phó Trung Quốc: nên “mạnh tay” với Trung Quốc tới mức độ nào và làm cách nào để biến điều đó thành hành động thực tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục