Hải Phòng chuyển dịch lên môi trường số, tạo đà phát triển nhanh

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường, thành phố đang từng bước chuyển dịch lên môi trường số, phát triển hạ tầng số, dịch vụ số, thay đổi tỷ trọng kinh tế số.
Hải Phòng chuyển dịch lên môi trường số, tạo đà phát triển nhanh ảnh 1Nghi thức kích hoạt Hội thảo chuyển đổi số thành phố Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN phát)

Hải Phòng đang trên đường xây dựng hình ảnh thành phố mới, năng động, tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... Trong từng bước phát triển của Hải Phòng, việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ tạo đà phát triển nhanh, bền vững cho thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường chia sẻ.

Nền tảng số

Nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số, trên cơ sở các chủ trương của Trung ương, ngày 26/10/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về chuyển đổi số thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định chuyển đổi số là động lực của sự phát triển, đặt ra các chỉ tiêu chuyển đổi số thành phố cao hơn mặt bằng chung cả nước.

Năm 2022, thành phố xác định việc thay đổi tư duy, cách nghĩ là câu chuyện đầu tiên và tiên quyết trong hành trình chuyển đổi số của mình. Chuyển mình một cách toàn diện từ bộ máy quản lý, các doanh nghiệp và toàn bộ nhân dân thành phố. Các hoạt động mang tính chất chuyên đề, chuyên môn, chính sách thường xuyên được tổ chức, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, chuẩn bị nguồn lực và triển khai theo chỉ đạo của Trung ương.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường, thành phố đang từng bước chuyển dịch lên môi trường số, phát triển hạ tầng số, dịch vụ số, thay đổi tỷ trọng kinh tế số, phát triển xã hội số, công dân số.

Những sáng kiến, chiến lược từ cấp cơ sở đến thành phố; bước đầu trong công tác xây dựng hạ tầng số của các cơ quan nhà nước; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các ứng dụng trên nhiều nền tảng số; xây dựng hệ thống giám sát, kiểm tra, đánh giá chính quyền số hướng đến việc người dân được hưởng thụ kết quả do chuyển đổi số mang lại.

Hạ tầng số được cải thiện với số trạm phát sóng tăng 12%, tốc độ di động tăng khoảng 20 bậc, bước đầu có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đặt tại Hải Phòng (Mobifone khai trương Trung tâm dữ liệu tại quận Dương Kinh), Viettel, Vinaphone tăng cường trạm phát sóng 5G ở khu vực trung tâm thành phố.

Dịch vụ công trực tuyến tăng trưởng mạnh, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn thành phố tăng theo từng tháng (trung bình 61,2%/năm). Cổng dịch vụ công quốc gia đánh giá dịch vụ công trực tuyến của Hải Phòng có tỷ lệ giải quyết đúng hạn trên 98%, cao nhất toàn quốc.

100% cơ quan nhà nước từ thành phố tới cấp xã, tích hợp chữ ký số chuyên dùng để thực hiện ký số văn bản điện tử, 100% văn bản được gửi trên môi trường mạng. Thành phố triển khai hải quan điện tử với hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia (thời gian tiếp nhận, thông quan đối với tờ khai luồng xanh từ 1-3 giây). Các bệnh viện triển khai phần mềm quản lý bệnh viện, kết nối dữ liệu liên thông với Cổng thông tin Giám định bảo hiểm xã hội.

Là một trong số sở, ngành tiên phong trong chuyển đổi số tại Hải Phòng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng Vũ Duy Tùng cho biết ngành giao thông vận tải xác định "chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, mà trước tiên lãnh đạo phải là người đi tiên phong."

[Năm 2023, đưa điện, Internet đến 100% thôn, bản trên toàn quốc]

Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, Sở Giao thông Vận tải mạnh dạn tập trung triển khai chuyển đổi số trong 4 hoạt động chính gồm: ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; từng bước hiện đại hóa Trung tâm Điều hành giao thông, đô thị thông minh; nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát giao thông công cộng; đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Đối với ngành y tế, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, tiến sỹ Phan Huy Thục cho biết chuyển đổi số đã mang lại những lợi ích kép khi vừa góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vừa phòng, chống dịch COVID-19. Hiện nay, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đã có hệ thống máy chủ, kết nối mạng LAN và có đường truyền internet tốc độ cao FTTH.

Hệ thống máy chủ và máy tính được các đơn vị trang bị tùy theo quy mô từng bệnh viện; 100% bệnh viện áp dụng phần mềm quản lý bệnh viện đáp ứng được công việc: quản lý bệnh nhân điều trị nội trú, ngoại trú, quản lý cận lâm sàng; quản lý dược và vật tư y tế, thanh toán viện phí áp dụng in hóa đơn điện tử, kê đơn thuốc điện tử ngoại trú, nội trú, hệ thống lấy số và hiển thị gọi số tự động qua màn hình LED; kết nối dữ liệu liên thông với Cổng thông tin Giám định bảo hiểm xã hội.

Tạo đà phát triển

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường cho rằng từ kết quả ấn tượng đã đạt được, có thể thấy thành phố từng bước chuyển đổi số thành công, đặt nền tảng cho việc thực hiện các mục tiêu trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Về phát triển chính quyền số, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh, xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

70% hồ sơ công việc tại cơ quan thành phố; 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 40% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

80% công tác báo cáo được thực hiện trên Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia; hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định. Cơ quan nhà nước thành phố có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Hải Phòng chuyển dịch lên môi trường số, tạo đà phát triển nhanh ảnh 2Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Hải Phòng đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông thành phố. (Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)

Đối với phát triển kinh tế số, thành phố phấn đấu kinh tế số chiếm 15% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 11%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 15%.

Về phát triển xã hội số, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 90% số hộ, 95% xã, phường, thị trấn; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G. Hải Phòng phấn đấu phổ cập điện thoại di động thông minh, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%, cung cấp danh tính số trên nền tảng di động cho tối thiểu 30% người dân sống và làm việc trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, tiến sỹ Phan Huy Thục chia sẻ để phát huy vai trò của mình, bắt kịp xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như thành tựu y học tiên tiến, ngành y tế cần nỗ lực rất nhiều.

Trong giai đoạn tới, Sở Y tế xây dựng kế hoạch chuyển đổi số để triển khai trong toàn ngành với 21 nhiệm vụ, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là người đứng đầu đơn vị trong triển khai thực hiện.

Ngành y tế tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chuyển đổi số là một trong những việc ưu tiên hàng đầu, nhiệm vụ trọng tâm triển khai trước, trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành, hướng dẫn nền tảng số lĩnh vực y tế để các địa phương có căn cứ triển khai, ví dụ nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, nền tảng sổ khám bệnh điện tử. Sở đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian tới tiếp tục hỗ trợ Sở triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng Vũ Duy Tùng cho rằng cần phân công phân nhiệm rõ ràng công việc chuyển đổi số cho từng đơn vị cũng như thành lập nhóm kiêm nhiệm chuyên biệt thực hiện đề án, dự án chuyển đổi số một cách rõ nét. Cùng với đó, thống nhất việc tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số sao cho thật dễ hiểu, thiết thực, tạo sức lan tỏa rộng khắp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục