Hải quan: ‘Việc mở hệ thống tiếp nhận tờ khai là đúng quy định’

Quyết định của Bộ Công thương có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11/4, ngành hải quan thiết lập các chỉ tiêu thông tin và mở hệ thống thông quan tiếp nhận tờ khai kể từ 0 giờ ngày 12/4-sau 1 ngày.
Tổng cục Hải quan kiến nghị việc cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên xem xét đấu thầu hạn ngạch. (Ảnh: TTXVN)
Tổng cục Hải quan kiến nghị việc cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên xem xét đấu thầu hạn ngạch. (Ảnh: TTXVN)

Trước việc dư luận đặt nghi vấn có dấu hiệu “trục lợi” chính sách khi thực hiện xuất khẩu 400.000 tấn gạo, trao đổi với báo chí ngày 14/4, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng-Tổng cục Hải quan khẳng định không có chuyện trên, bởi hệ thống thông quan điện tử của hải quan Việt Nam do Chính phủ Nhật Bản tài trợ và đã thông quan từ mấy năm nay.

Theo ông Cẩn, tất cả tờ khai, thủ tục hải quan thực hiện trên điện tử 24/7, tức là doanh nghiệp có thể khai mọi lúc, mọi nơi mà không có bất kỳ sự can thiệp, tác động chủ quan của công chức ngành hải quan.

[Vẫn mua chưa đủ số lượng gạo dự trữ quốc gia năm 2020]

Về thời gian mở hệ thống thông quan tiếp nhận tờ khai hải quan, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng Tư-có hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 11/4. Theo đó, ngành hải quan phải thực hiện công tác đối chiếu, thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống dữ liệu điện tử. Sau 1 ngày, kể từ 0 giờ ngày 12/4, Tổng cục Hải quan đã mở hệ thống thông quan tiếp nhận tờ khai. Các doanh nghiệp tự động đăng ký tờ khai giống như các hàng hóa khác nhưng có điều kiện là chỉ giới hạn trong 400.000 tấn gạo.

Ông Cẩn khẳng định đây là việc bình thường và rất minh bạch, đúng với quy định của pháp luật.

“Từ 0 giờ đến 6 giờ 15 phút ngày 12/4, các doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo và trên hệ thống thể hiện tổng số lượng gạo đạt gần 399.990 tấn. Như vậy, số dư khoảng 10 tấn. Khi các doanh nghiệp gửi tờ khai mà đăng ký xuất khẩu lớn hơn 10 tấn thì hệ thống không chấp nhận” ông Cẩn cho biết.

Cũng theo ông Cẩn, Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính đã có văn bản kiến nghị với Bộ Công thương và Chính phủ cần phải thu mua đủ lượng gạo dự trữ quốc gia sau đó mới cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên xem xét đấu thầu hạn ngạch hoặc vẫn cho trừ lùi trên hệ thống tờ khai hải quan như hiện nay, nhưng phải khống chế lượng tờ khai tối đa.

“Với nhiệm vụ quản lý hải quan, để đảm bảo công khai minh bạch và hoạt động việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cập nhật 1 giờ một lần về số lượng doanh nghiệp trên website của Tổng cục Hải quan,” ông Cẩn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục