Doanh nghiệp kêu cứu Thủ tướng về bất cập khai hải quan xuất khẩu gạo

Theo quan điểm của doanh nghiệp, việc cho mở tờ khai hải quan đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020 từ 0 giờ 30 đến 3 giờ sáng 12/4 là thiếu công khai, minh bạch.
Vận chuyển gạo để xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Vận chuyển gạo để xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến những bất cập trong việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4/2020 mà Bộ Công Thương công bố trước đó, ngày 13/4, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã gửi công văn, đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.

Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Hải quan, Công ty TNHH ANGIMEX-KITOKU (An Giang) cho biết, công ty nhận được Quyết định số 0361/XNK-NS của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020 là 400.000 tấn và quyết định trên có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11/4/2020.

Đến sáng 11/4, công ty thực hiện mở tờ khai hải quan cho các lô hàng đã đóng hàng vào container, có số container/số chì đầy đủ đang nằm tại cảng Mỹ Thới (An Giang).

Tuy nhiên, công ty không thể truy cập được hệ thống hải quan để khai báo cho các lô hàng.

Doanh nghiệp cũng đã liên hệ với hải quan cảng Cát Lái là nơi sẽ làm thủ tục thông quan nhưng được trả lời đang chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan vì thời điểm đó đang là ngày nghỉ cuối tuần.

Tuy nhiên, ngay đầu giờ sáng 12/4 (Chủ nhật), công ty nhận được thông báo hệ thống hải quan đã cho mở tờ khai xuất khẩu gạo trong từ 0 giờ 30 đến 3 giờ và số lượng đăng ký đã đủ hạn ngạch cho phép.

Ông Hiroshi Sannuki, Giám đốc Công ty TNHH ANGIMEX-KITOKU cho biết, doanh nghiệp đã rất bất ngờ và hoang mang.

Nhiều doanh nghiệp khác cùng trong tình cảnh tương tự vì không nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ cơ quan hải quan thông báo ngày giờ mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo.

Do vậy, theo quan điểm của doanh nghiệp việc cho mở tờ khai vào lúc gần sáng như trên là thiếu công khai, minh bạch.

[Doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó vì trục trặc tờ khai hải quan]

“Hiện tại doanh nghiệp đang có có gần 900 tấn gạo với 17 tờ khai đã có số tờ khai nhưng chưa được xác nhận thông quan, phân luồng. Đây là số hàng đã được ký kết từ trước, trong trường hợp không thể giao hàng đúng hẹn như cam kết, phía đối tác sẽ ngay lập tức ngừng mua gạo từ Việt Nam và chuyển sang mua gạo của nước khác vì họ đã đợi đơn hàng hơn hai tuần kể từ thời điểm Chính phủ Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo. Điều này không chỉ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp mà sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành gạo Việt Nam,” ông Hiroshi Sannuki nêu vấn đề.

Chính vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan kiểm tra và giám sát lại việc khai báo hải quan xuất khẩu gạo.

Vì hạn ngạch xuất khẩu gạo có giới hạn 400.000 tấn nên doanh nghiệp rất mong muốn nhận được thông tin hướng dẫn công khai, minh bạch và chính xác với các tiêu chí được xuất khẩu, hạn ngạch xuất khẩu gạo nên được phân bổ rõ ràng cho tất cả doanh nghiệp, tạo sự công bằng và ổn định cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Cùng ngày, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cũng đã gửi văn bản số 01/2020/ĐĐN.TTgCP "kêu cứu" tới Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương về những bất cập trong việc mở hệ thống phần mềm khai hải quan điện tử xuất khẩu gạo và những khó khăn của doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nêu rõ, vào chiều ngày 11/4, đơn vị này nhận được Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 và công văn số 0361/XNK-NS, ngày 10/4/2020 để thực hiện theo công văn số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Công ty này đã cho nhân viên túc trực trên máy tính để mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở từ ngày 24/3/2020 nhưng đến 21 giờ ngày 11/4 hệ thống phần mềm hải quan điện tử vẫn không mở.

Doanh nghiệp này cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn nào có liên quan về việc "mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan" mặt hàng gạo của hải quan.

“Chúng tôi lên hệ thống phần mềm hải quan điện tử VNACCS/VCIS để lấy thông tin tờ khai, thì chỉ nhận được thông báo: Thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở Trung tâm. Tuy nhiên, đến sáng sớm ngày 12/4 khi nhân viên lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai thì hệ thống thông báo đã đủ hạn ngạch,” ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An nêu vấn đề.

Theo ông Bình, từ thời điểm có quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến nay, Công ty Trung An đã phải tạm dừng đăng ký và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu đã và đang trên đường lên cảng.

Hiện, doanh nghiệp đang có hàng trăm ngàn tấn gạo đã nằm tại các cảng đang chờ thông quan, danh sách, số container các doanh nghiệp nhận về để đóng gạo, hãng tàu, cảng, Bộ Công Thương đều nắm rất rõ.

Nếu hải quan cho mở tờ khai, thì việc đầu tiên phải ưu tiên cho các lô gạo của các doanh nghiệp đã và đang khai dở dang xuất khẩu, sau đó mới cho khai mới.

“Việc cho mở tờ khai hải quan vào lúc nửa đêm, rạng sáng như vậy có thực hiện đúng nguyên tắc đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, dễ giám sát, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không?” ông Bình đặt câu hỏi và kiến nghị Thủ tướng cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại vấn đề để không gây thiệt hại, khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kêu cứu Thủ tướng về bất cập khai hải quan xuất khẩu gạo ảnh 1Xuất khẩu gạo tại Công ty lương thực An Giang. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến về vấn đề trên, ông Lâm Định Quốc, Nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng cho rằng, quyết định của Bộ Công Thương cho hạn ngạch xuất khẩu gạo được ban hành tối ngày 10/4, có hiệu lực 0 giờ ngày 11/4.

Ngày 11/4, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan chưa có bất kỳ thông tin hướng dẫn hay công bố thời gian bắt đầu mở tờ khai hải quan đến doanh nghiệp.

Nhưng sáng sớm ngày 12/4 hệ thống hải quan thông báo đã đủ hạn ngạch gạo cho tháng 4 là thiếu minh bạch và không công bằng cho các doanh nghiệp.

Theo ông Lâm Định Quốc, tới thời điểm tạm dừng xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu với khối lượng hơn 1,65 triệu tấn.

Sau khi có hạn ngạch thì chỉ một số ít doanh nghiệp đăng ký được trong khi đa số doanh nghiệp không giải quyết được đơn hàng nào, phải tiếp tục chờ hạn ngạch trong các tháng tiếp theo.

Việc này đồng nghĩa doanh nghiệp phải để tiếp tục lưu kho một lượng gạo lớn.Ngoài ra, hơn 200.000 tấn gạo đã đóng container và lưu kho cảng sẽ khiến phát sinh chi phí rất lớn.

Chưa kể, với những đơn hàng đã đến thời hạn giao mà doanh nghiệp không thông quan được thì nguy cơ phải đền hợp đồng, bị đối tác kiện, thậm chí chấm dứt quan hệ kinh doanh là rất lớn, không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn mất uy tín, thương hiệu ngành gạo Việt Nam đã cố gắng gây dựng trong nhiều năm.

“Ngoài việc công khai minh bạch quá trình mở tờ khai hải quan xuất khẩu thì Chính phủ và các bộ, ngành cũng nên đánh giá lại tình hình, xem xét nâng hạn ngạch xuất khẩu gạo lên mới giải phóng được lượng gạo đang đọng tại cảng cũng như trong kho của doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn tất các đơn hàng đã ký kết từ trước, giảm thiểu các thiệt hại không đáng có và duy trì hoạt động xuất khẩu gạo ổn định,” ông Lâm Định Quốc nêu ý kiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục