Ngày 30/8, tại thành phố Cần Thơ, Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ 7-năm 2024 được tổ chức với chủ đề "Liên kết phát triển thương mại gắn kết nối cung cầu giữa 5 thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long."
Năm thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết Hội nghị mang ý nghĩa đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Công Thương năm 2023, nửa đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ đến năm 2025.
Trên cơ sở đó, tiếp xúc, lắng nghe và thảo luận những vấn đề mới phát sinh từ nhu cầu phát triển và thực tiễn quản lý Nhà nước, điều hành của địa phương để đề xuất kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho 5 thành phố phát huy lợi thế.
Hoạt động cũng nhằm tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương về triển khai những cơ chế, chính sách của Trung ương đến các địa phương; triển khai sự chỉ đạo, hỗ trợ của địa phương 5 thành phố trong lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay, tận dụng các cơ hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng thương mại, dịch vụ của các địa phương.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu thảo luận về những vấn đề then chốt liên quan đến thúc đẩy thương mại điện tử, phát triển và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu nông sản bền vững. Đây là những vấn đề trực tiếp tác động đến sự thành công của việc liên kết thương mại giữa 5 thành phố trực thuộc Trung ương và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp nhấn mạnh vai trò quan trọng của thương mại điện tử trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP và mở rộng thị trường. Ông Hiệp cho biết: Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử, từ tập huấn, hướng dẫn kỹ năng đến kết nối với các sàn giao dịch lớn.
Ông Nguyễn Thế Hiệp cũng chỉ ra những khó khăn hiện tại, đặc biệt là việc nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế về năng lực ứng dụng công nghệ số. Vì vậy, ông đề nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử; đồng thời tăng cường hỗ trợ địa phương trong việc đào tạo, kết nối và quảng bá sản phẩm OCOP trên các nền tảng trực tuyến.
Theo Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành, sự liên kết giữa các cảng tại Hải Phòng và với các cảng khác trong khu vực còn chưa chặt chẽ. Để tăng cường kết nối giao thương 5 thành phố và phát triển hợp tác với Đồng bằng sông Cửu Long cần thiết phải đầu tư vào hạ tầng giao thông và cải thiện vận tải thủy nội địa; triển khai các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cũng đề cao việc phát triển nguồn nhân lực logistics và tăng cường kết nối, hợp tác giữa 5 thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực cảng biển và logistics. Qua đó, tạo nên một mạng lưới giao thương mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng và cả nước.
Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh kiến nghị cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Bộ Công Thương và các nhà phân phối lớn để đưa sản phẩm OCOP, đặc sản các địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng trên toàn quốc. Theo đó, ông Hạnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết giữa các doanh nghiệp, từ sản xuất đến tiêu thụ, để tạo sức mạnh tổng hợp và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời, đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác cho các địa phương.
Tiến sỹ Mạc Quốc Anh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy liên kết thương mại giữa 5 thành phố trực thuộc Trung ương và Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Mạc Quốc Anh cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững để tận dụng tối đa tiềm năng của từng địa phương.
Nhằm phát triển liên kết 5 thành phố trực thuộc Trung ương với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Mạc Quốc Anh, cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông và logistics, xây dựng các trung tâm logistics hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả vận hành chuỗi cung ứng; đồng thời, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực then chốt cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy liên kết thương mại và phát triển kinh tế bền vững.
Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ngành công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã đạt nhiều kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định, thương mại-dịch vụ phát triển mạnh mẽ, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra hiệu quả, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản và công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như sự phục hồi chậm của một số ngành kinh tế và khó khăn trong thu hút đầu tư.
Để khắc phục những hạn chế này, các thành phố đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, bao gồm cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển công nghiệp công nghệ cao, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư vào hạ tầng năng lượng./.
Đồng bằng sông Cửu Long: Kết hợp sản xuất sinh thái với làm nông nghiệp sạch
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng bằng nhiều mô hình kết hợp nuôi tôm-trồng lúa luân phiên để tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp sinh thái.