Doanh nghiệp dệt may: Chinh phục thị trường nội địa bằng chất lượng sản phẩm

Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã xây dựng phân khúc sản phẩm và đối tượng khách hàng riêng, từ đó dần tạo ra giá trị và khẳng định vị trí trên thị trường thời trang nội địa.

Cửa hàng thời trang Vinatex tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Cửa hàng thời trang Vinatex tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thời gian gần đây, nhiều nhãn hàng thời trang Việt đã rầm rộ tấn công thị trường nội địa qua hệ thống showroom được các doanh nghiệp dệt may lớn mở ra tại các tỉnh, thành trên cả nước.

Đánh giá của giới chuyên môn cho thấy chất lượng sản phẩm với những thiết kế độc đáo, sáng tạo, mới lạ, gắn với xu hướng Xanh và tiêu dùng thuận lợi cho người tiêu dùng đang được các doanh nghiệp phát huy để chiếm lĩnh thị trường nội địa, kéo người tiêu dùng Việt ưu tiên dùng hàng Việt…

Định vị thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường

Tại lễ kỷ niệm 10 năm thương hiệu HeraDG của Tổng công ty Đức Giang mới đây, ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp này cho biết Đức Giang vốn là đơn vị chuyên làm xuất khẩu và bước vào lĩnh vực thời trang từ những năm 2000.

Qua 10 năm nay, thương hiệu HeraDG đã phát triển và đưa thời trang hòa nhịp với bước tiến thời đại, bước vào kỷ nguyên thời trang thân thiện với môi trường bên cạnh những tiến bộ khoa học như công nghệ 3D, AI.

“Nhớ lại những ngày đầu khi Đức Giang chập chững bước vào thị trường nội địa, toàn thể Tổng Công ty, các nhà máy đã gồng mình trong đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh. Đến ngày hôm nay, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những thách thức của thị trường khi bước vào làng thời trang Việt và luôn phải nỗ lực để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường nội địa, vừa đáp ứng với tiến độ, yêu cầu của hàng xuất khẩu,” ông Hoàng Vệ Dũng nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Đức Giang cũng nhấn mạnh điều đáng tự hào là thương hiệu HeraDG đã ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng Việt, luôn mang lại ấn tượng, cảm xúc mới cho khách hàng từ việc thay đổi mẫu mã thường xuyên qua các bộ sưu tập mới theo xu hướng ứng dụng, ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái tạo, thân thiện môi trường.

Với Tổng Công ty May 10, bên cạnh thương hiệu truyền thống Grus đã gắn liền với thị trường trong nước hơn 30 năm qua, những sản phẩm khác của May 10 đã tạo nhiều dấu ấn đối với người tiêu dùng, như thương hiệu thời trang nữ cao cấp DeTheia ra mắt vào tháng 10/2022 và Generos tháng 11/2022.

Bên cạnh hệ thống cửa hàng truyền thống, May 10 đang tập trung phát triển mạnh mẽ kênh phân phối thương mại điện tử và đa dạng hóa phương thức bán hàng. Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2024, May 10 đã khai trương hai cửa hàng tại Hà Nội, 1 cửa hàng tại Thái Bình, trong đó có cửa hàng may đo veston cao cấp kết hợp với Trung tâm thời trang May 10. Đây là một phần trong chiến lược trung và dài hạn của May 10 trong nhiều năm qua nhằm phát triển thương hiệu nội địa.

Với hơn 30 nhà thiết kế và khoảng 200 người làm trong khâu thiết kế sản phẩm mới, cùng với ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế như công nghệ 3D, AI… theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10, tính hội nhập hiện nay của các nhà thiết kế Việt Nam đã hội nhập và bắt kịp với trình độ thiết kế của thế giới.

May 10 vẫn tiếp tục phối kết hợp với các nhà thiết kế hàng đầu ở Italy, Pháp, Mỹ, Anh để giao thoa, hội nhập nhanh, sớm với các nhà thiết kế hàng đầu của thế giới để sản xuất các bộ sưu tập cho người Việt Nam nhưng chất lượng kiểu dáng mẫu mã ngang tầm với quốc tế. May 10 cũng đang áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác thiết kế, giúp nâng cao tính hội nhập của các nhà thiết kế Việt Nam nói chung và May 10 nói riêng.

Bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng

Để hiện thực hóa việc chinh phục thị trường nội địa, lãnh đạo Tổng công ty May 10 cho biết doanh nghiệp tập trung vào chất lượng, thẩm mỹ sản phẩm bằng cách đầu tư nhiều vào đội ngũ thiết kế. Trong quá trình sản xuất, May 10 đều thực hiện theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, nhưng với sản phẩm trong nước luôn luôn dành ưu tiên quy chuẩn chất lượng cao hơn xuất khẩu.

Trong số các nhà máy ở tỉnh, thành, May 10 tập trung vào nhà máy ở Hà Nội để phục vụ phân khúc này với chất lượng cao nhất, sản phẩm đầu ra đều được kiểm soát chặt chẽ theo quy trình. Cùng với đó, May 10 triển khai các giải pháp nâng cao dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng, tăng trải nghiệm của khách hàng qua Công nghệ Số.

z5670629126144_f64e32fcd2cf8f36bf4aec850a2af36b.jpg
Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang là bước đi thay đổi về chất trong công tác xây dựng đội ngũ phát triển thị trường xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng của Vinatex. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

“Hiện, May 10 cũng đang tập trung vào hai khâu thiết kế và sản xuất để thực hiện chiến lược sản xuất xanh. Trong thiết kế, Tổng Công ty chú trọng đảm bảo sản xuất xanh và sản phẩm xanh, sử dụng nguyên liệu tái chế và thân thiện môi trường, an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời giảm thiểu rác thải,” đại diện May 10 cho hay.

Thị trường Việt Nam hiện có khoảng 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ cao cấp đến trung bình như Chanel, Giovani hay Mango, Zara… tiếp cận người tiêu dùng và liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm thời trang đẳng cấp thuần Việt nhằm hóa giải mọi thách thức để chiếm lĩnh thị trường trong nước, chưa nói xuất khẩu.

Thực tế những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã xây dựng phân khúc sản phẩm và đối tượng khách hàng riêng, từ đó dần tạo ra giá trị và khẳng định vị trí trên thị trường thời trang nội địa, như: Tổng Công ty May Việt Tiến, Tổng Công ty May Nhà Bè, Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ với thời trang công sở…

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết nếu hơn 10 năm trước, người tiêu dùng Việt Nam chuộng sử dụng hàng may sẵn xuất xứ từ nước ngoài do giá rẻ, thì hiện nay không ít người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn hàng may mặc của Việt Nam để tìm đến với các sản phẩm chất lượng hơn. Nắm bắt cơ hội này, các thương hiệu thời trang của các công ty lớn trong nước đã có những chiến lược kinh doanh cụ thể để khai thác thị trường nội địa đầy tiềm năng.

“Vinatex khuyến khích các doanh nghiệp trong hệ thống tập đoàn tập trung phát triển thị trường nội địa, định hướng phát triển mạnh những thương hiệu cũ vốn đã có lợi thế trong tâm thức người tiêu dùng Việt, song song với đó là đầu tư vào các khâu thiết kế, marketing để phát triển những thương hiệu mới cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng chung hiện nay, đẩy mạnh các kênh phân phối rộng khắp và đầu tư thêm về cơ sở thông tin cho kênh thương mại điện tử,” ông Cao Hữu Hiếu cho hay.

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” các nhãn hiệu Việt tổ chức nhiều chương trình ưu đãi thu hút khách hàng trong các dịp lễ, Tết, tham gia các gian hàng hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm và đa dạng hóa kênh bán hàng…

Song song, các doanh nghiệp liên tục ra mắt các thiết kế mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Mong muốn thổi “làn gió mới” vào thị trường thời trang nội địa, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang không ngừng đổi mới và phát triển về mọi mặt, khẳng định sự hiện diện của trí tuệ và sức sáng tạo Việt.

Nhìn chung, sân chơi của thương hiệu thời trang nội địa vẫn còn nhiều thị phần và cơ hội mở rộng thị trường ngay trong thời điểm kinh tế biến động. Tuy vậy, theo các chuyên gia, trước thách thức chính là cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu quốc tế, nhu cầu, hành vi của người tiêu dùng thay đổi, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng hàng tồn kho, phải giảm giá sâu để bán thu về vốn mà không có lợi nhuận.

Chiếm lĩnh thị trường nội địa bên cạnh đòi hỏi các thương hiệu nội địa đột phá tạo nên bản sắc riêng, tìm lối đi riêng trong và ngoài nước thì cũng cần sự tiếp cận thân thiện, hướng về ưu tiên dùng hàng Việt Nam của người tiêu dùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục