Hàn Quốc cam kết tiếp tục nỗ lực đối thoại với Triều Tiên

Phát biểu tại trụ sở Quốc hội, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố ông "sẽ cố gắng đến giây phút cuối cùng để tạo ra một trật tự mới cho nền hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên."
Hàn Quốc cam kết tiếp tục nỗ lực đối thoại với Triều Tiên ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 25/10, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố cho tới cuối nhiệm kỳ vào tháng 5/2022, chính quyền nước này sẽ tiếp tục theo đuổi hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán và ngoại giao với Bình Nhưỡng.

Trong bài phát biểu cuối cùng về ngân sách tại trụ sở Quốc hội ở thủ đô Seoul, Tổng thống Moon nhấn mạnh: "Đối thoại (với Triều Tiên) vẫn chưa hoàn tất. Tôi sẽ cố gắng đến giây phút cuối cùng để tạo ra một trật tự mới cho nền hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên."

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhắc lại kế hoạch tăng cường liên minh với Mỹ cũng như tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, trong khi tăng ngân sách quốc phòng lên 55.200 tỷ won (tương đương 47 tỷ USD).

Trong một diễn biến khác cùng ngày, người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc, Đại tá Kim Jun-rak cho biết quân đội nước này chưa phát hiện thấy những hoạt động quân sự bất thường của Triều Tiên, trong bối cảnh quan ngại Bình Nhưỡng có thể tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự nhằm đáp trả vụ phóng tên lửa không gian mới đây của Seoul.

Trả lời báo giới, ông Kim cho biết: "Giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phối hợp chặt chẽ và tiếp tục giám sát những động thái quân sự của Triều Tiên. Tuy nhiên, chúng tôi chưa phát hiện thấy những hoạt động bất thường."

Ngày 21/10, Hàn Quốc đã phóng tên lửa tự chế tạo đầu tiên, trong nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy chương trình vũ trụ của nước này và gia nhập câu lạc bộ vũ trụ toàn cầu. Tên lửa KSLV-II - còn được gọi là Nuri - được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Naro ở ngôi làng ven biển Goheung miền Nam Hàn Quốc.

Trong một diễn biến có liên quan, ông Donald Gregg, cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, cho rằng Mỹ cần có cách tiếp cận chủ động hơn nhằm nối lại đàm phán với Triều Tiên cũng như phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

[Mỹ tiếp tục tìm giải pháp thúc đẩy nối lại đối thoại với Triều Tiên]

Ông Gregg, người đảm nhận chức vụ trong Đại sứ quán Hàn Quốc từ năm 1989 tới năm 1993 và được biết tới là chuyên gia trong các vấn đề an ninh khu vực, cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đang ở vị thế thuận lợi hơn chính quyền nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và đó là lý do vì sao Washington trước tiên nên tiếp cận với Bình Nhưỡng.

Cựu đại sứ Gregg, người cũng từng là sỹ quan Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và đã đến thăm Triều Tiên 6 lần, nhấn mạnh sự cần thiết của những nỗ lực xây dựng lòng tin với Bình Nhưỡng để khởi động tiến trình hòa bình bị đình trệ lâu nay.

Liên quan tới đề xuất của Seoul về việc tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), ông Gregg cho biết vẫn chưa có "các cuộc thảo luận thực sự" ở Mỹ và cần có một cách tiếp cận thận trọng để tìm ra các tác động trên Bán đảo Triều Tiên.

Tháng trước, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Moon Jae-in một lần nữa đề xuất tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên như một phần của các bước đi ban đầu hướng tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên và một nền hòa bình lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục