Hàn Quốc, Nhật Bản chưa giải quyết được vướng mắc về GSOMIA

GSOMIA giữa Hàn Quốc và Nhật Bản được ký năm 2016 nhằm giúp hai quốc gia láng giềng châu Á này đối phó các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, sẽ hết hiệu lực vào ngày 23/11 tới.
Hàn Quốc, Nhật Bản chưa giải quyết được vướng mắc về GSOMIA ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo trong cuộc gặp tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17/11/2019. (Ảnh: Kyodo/ TTXVN)

Hàn Quốc và Nhật Bản không đạt được bước đột phá nào về Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA) trong cuộc hội đàm giữa bộ trưởng Quốc phòng hai nước ngày 17/11 tại Bangkok, Thái Lan, diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mở rộng lần thứ sáu (ADMM+).

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp kéo dài 40 phút với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết, hai bên gặp bế tắc xoay quanh các quan điểm hiện nay về GSOMIA, theo kế hoạch sẽ hết hạn vào ngày 23/11 tới.

Ông nêu rõ: "(Hai bên) đã trao đổi lập trường căn bản. Như tôi nhắc lại, chính phủ chúng tôi sẽ gia hạn hiệp định tới tháng 6. Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản cắt giảm xuất khẩu (sang Hàn Quốc) với lý do lòng tin an ninh của họ bị tổn thương, chúng tôi đã buộc phải quyết định chấm dứt GSOMIA.”

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, dường như vẫn còn nhiều không gian để giải quyết vấn đề trên theo con đường ngoại giao hơn là thông qua con đường quốc phòng, đồng thời kêu gọi ông Kono nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng biện pháp ngoại giao.

[Lãnh đạo quốc phòng Hàn-Nhật sẽ hội đàm trước khi GSOMIA hết hạn]

Cũng theo ông Jeong Kyeong-doo, hai bộ trưởng đã khẳng định nhu cầu hợp tác an ninh song phương, cũng như hợp tác 3 bên với Mỹ, đồng thời nhất trí phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm củng cố các mối quan hệ quốc phòng Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản kêu gọi Hàn Quốc có "phản ứng rộng hơn" liên quan tới GSOMIA.

GSOMIA giữa Hàn Quốc và Nhật Bản được ký năm 2016 nhằm giúp hai quốc gia láng giềng châu Á này đối phó các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, sẽ hết hiệu lực vào ngày 23/11 tới.

Hồi tháng 8, Seoul quyết định không gia hạn hiệp định sau khi Tokyo công bố các quy định hạn chế xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Seoul cho rằng động thái này của Tokyo là nhằm trả đũa quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc buộc các công ty Nhật Bản bồi thường các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến.

Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Hàn Quốc rút lại quyết định vì GSOMIA được xem là rất quan trọng trong hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn tại khu vực, song Seoul vẫn giữ lập trường chỉ xem xét lại quyết định này khi Tokyo có những động thái thay đổi trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục