Hàn Quốc sẽ đình chỉ đào tạo các bác sỹ tập sự không quay lại làm việc

Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo nếu các bác sỹ tập sự không đăng ký trở lại làm việc trước ngày 2/4, họ sẽ bị đình chỉ đào tạo trong nửa đầu năm nay.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở Seongnam (Hàn Quốc), ngày 4/3/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở Seongnam (Hàn Quốc), ngày 4/3/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 28/3, Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo sẽ đình chỉ tạm thời việc đào tạo đối với các bác sĩ tập sự tham gia đình công nếu những người này không trở lại làm việc trước ngày 2/4 tới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Jun Byung-wang thông báo nếu không đăng ký trở lại làm việc trước ngày 2/4, các bác sỹ tập sự sẽ bị đình chỉ đào tạo trong nửa đầu năm 2024.

Cảnh báo sự gián đoạn đào tạo sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập tiếp theo, ông kêu gọi các bác sỹ trẻ nhanh chóng trở lại làm việc, chấm dứt hành động đình công kéo dài hơn 5 tuần qua.

Khoảng 12.000 bác sỹ tập sự trên khắp Hàn Quốc đã đồng loạt nghỉ việc kể từ ngày 20/2 để phản đối kế hoạch của chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y khoa thêm 2.000 người từ năm 2025.

Hành động nghỉ việc hàng loạt này đã khiến dịch vụ y tế ở nhiều bệnh viện đa khoa tuyến trên bị gián đoạn.

Các bệnh viện phải giảm số lượng các ca phẫu thuật, giảm tỷ lệ tiếp nhận bệnh nhân nhập viện và chỉ tập trung điều trị các ca bệnh nặng.

Trong động thái ủng hộ hành động tập thể của các bác sỹ trẻ, các giáo sư y khoa Hàn Quốc, vốn là đội ngũ bác sỹ cấp cao tại các bệnh viện đại học lớn, cũng đã bắt đầu nộp đơn từ chức bắt đầu từ ngày 25/3.

Đến nay, triển vọng giải quyết bế tắc thông qua đàm phán được cho là rất mong manh do Chính phủ Hàn Quốc vẫn quyết định bổ sung 2.000 chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học khu vực ngoài Seoul để chuẩn bị cho năm học mới. Đây là dấu hiệu cho thấy Chính phủ sẽ không từ bỏ kế hoạch.

Trong bối cảnh cuộc đình công của các bác sỹ tiếp tục kéo dài hơn 5 tuần, các bệnh viện đa khoa lớn đã tạm thời đóng cửa hoặc sáp nhập một số phòng ban trong tình huống điều hành khẩn cấp và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức cũng như nhân sự.

Các cơ sở y tế lớn gồm Trung tâm Y tế Asan, Trung tâm Y tế Samsung, Bệnh viện Severance, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và Bệnh viện St. Mary Seoul ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ won (741.344 USD) mỗi ngày và đang áp dụng phương thức quản lý trong tình trạng khẩn cấp để duy trì hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục