Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ bảo tồn và quản lý một cách có hệ thống hơn đối với các "Seowon" (thư viện cổ) được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.
Thư viện cổ là di sản thứ hai của Hàn Quốc, sau sau 7 ngôi chùa cổ trên núi, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2018.
Chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch ban hành luật đặc biệt trong năm nay để quản lý, bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn đặc trưng và nét độc đáo của từng thư viện cổ, theo đó 9 cơ quan chính quyền địa phương, nơi có các thư viện này, sẽ sửa đổi các quy định trong thời gian tới, tiến hành hỗ trợ ngân sách và nhân lực cần thiết để quản lý những di sản trên.
[9 thư viện cổ của Hàn Quốc được xét công nhận di sản thế giới]
Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cũng xúc tiến việc giao lưu học thuật, phối hợp với Triều Tiên khảo sát chung các thư viện cổ ở nước này, cũng như 30 thư viện cổ khác trong nước chưa được công nhận là di sản thế giới.
Đồng thời, chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch hợp tác với Nhật Bản và Trung Quốc nhằm quảng bá rộng rãi về các di sản "Seowon" ở cả trong và ngoài nước.
Thư viện được cho là cổ nhất là Sosu Seowon (Thư viện Thiệu Thu) ở thành phố Yeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang sẽ mở buổi triển lãm đặc biệt kỷ niệm sự kiện được công nhận là di sản thế giới vào tháng 5 năm sau.
Các thư viện còn lại cũng sẽ tổ chức các chương trình quảng bá, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân như các chương trình trải nghiệm cho từng lứa tuổi./.