Hãng tin Yonhap ngày 6/2 cho biết Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae đã hé lộ về khả năng nước này sẵn sàng để bãi bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên (thường được gọi là biện pháp 24/5) nếu như Triều Tiên đáp ứng một số điều kiện thông qua đối thoại.
Theo hãng tin trên, phát biểu cùng ngày tại một diễn đàn ở Seoul, ông Ryoo Kihl-jae cho biết chính phủ Hàn Quốc “đã hoàn tất các nghiên cứu có liên quan” đến nội dung trên.
Ông Ryoo Kihl-jae nói: “Một khi các cuộc đàm phán diễn ra giữa hai miền Nam Bắc, tôi tin rằng đó sẽ là cơ hội để bãi bỏ ệnh trừng phạt kinh tế 24/5." Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận chính phủ Hàn Quốc đang phải chịu áp lực ngày càng tăng về việc bãi bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng.
Cũng theo Bộ trưởng Ryoo Kihl-jae, nhân kỷ niệm 70 năm bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật Bản, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch cho phép tiến hành các hoạt động trao đổi về văn hóa, xã hội và tôn giáo với Triều Tiên trong năm nay.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế 24/5 được Hàn Quốc áp dụng sau vụ tàu chiến Cheonan của nước này bị chìm vào năm 2010, làm 46 thủy thủ thiệt mạng, trong đó Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đứng đằng sau vụ việc trên, tuy nhiên Bình Nhưỡng luôn phủ nhận có liên quan đến vụ việc.
Theo lệnh trừng phạt trên, Seoul đã ngừng tất cả các hoạt động hợp tác kinh tế liên Triều, ngoại trừ hoạt động tại Khu công nghiệp chung Keasong nằm trên lãnh thổ Triều Tiên gần đường biên giới liên Triều.
Triều Tiên từng nhiều lần đề nghị Hàn Quốc bãi bỏ lệnh trừng phạt trên, tuy nhiên Seoul cho rằng trước hết Bình Nhưỡng phải nhận trách nhiệm và đưa ra lời xin lỗi chính thức về vụ tàu Cheonan.
Vào cuối tháng Một vừa qua, Triều Tiên cũng đã đề nghị Hàn Quốc bãi bỏ lệnh trừng phạt trên, coi đó là điều kiện để nối lại các cuộc đàm phán cấp cao liên Triều, bao gồm cả việc tổ chức các cuộc đoàn tụ cho những gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, theo đề nghị trước đó của Hàn Quốc, tuy nhiên Seoul đã bác bỏ đề nghị trên và cho rằng Bình Nhưỡng không nên gắn vấn đề mang tính nhân đạo với việc nối lại đàm phán liên Triều./.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu