Hàn Quốc xem xét mở rộng dịch vụ khám và chữa bệnh từ xa

Hàn Quốc đã tạm thời nới lỏng các hạn chế trong hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, cho phép các bác sỹ điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ qua đường truyền hình ảnh trực tuyến.
Hàn Quốc xem xét mở rộng dịch vụ khám và chữa bệnh từ xa ảnh 1Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 12/5/2020. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 14/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Kim Yong-beom cho rằng nước này cần tích cực cân nhắc thực hiện khám, chữa bệnh từ xa trên quy mô toàn quốc nhằm đảm bảo an toàn cho các y, bác sỹ đang ở tuyến đầu chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hàn Quốc đã tạm thời nới lỏng các hạn chế trong hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, cho phép các bác sỹ điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ qua đường truyền hình ảnh trực tuyến. Tuy nhiên, việc mở rộng dịch vụ này ra quy mô toàn quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh của các bác sỹ do lo ngại nguy cơ chẩn đoán sai và bị đánh cắp dữ liệu.

Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Kim Yong-beom cho biết Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc vẫn duy trì quan điểm rằng cần phải tích cực xem xét thực hiện các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa.

Trước đó, tháng 12/2019, Hàn Quốc thông báo sẽ bắt đầu triển khai dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa trong năm 2020 nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cho những người sống ở những khu vực khó tiếp cận, như cư dân ở các đảo xa, bằng cách sử dụng mạng Internet kết nối bệnh nhân với bác sỹ.

[Hàn Quốc không loại trừ khả năng tái áp dụng giãn cách xã hội]

Từ năm 2015, Hàn Quốc đã tăng số người tham gia chương trình thí điểm chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa lên khoảng 5.300 người trên bảy hòn đảo xa xôi, ngư dân và lính hải quân gần biên giới với Triều Tiên, các tù nhân... để kiểm tra tính khả thi của hệ thống trước khi đưa vào triển khai trên toàn quốc.

Tuy nhiên, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, tổ chức đại diện cho khoảng 100.000 bác sỹ trên cả nước, cho rằng chương trình này tiềm ẩn nhiều rủi ro về vấn đề an toàn, cũng như có nguy cơ làm ảnh hưởng đến hoạt động của các phòng khám nhỏ.

Đề xuất của Thứ trưởng Bộ Tài chính Kim Yong-beom được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trong ngày ở Hàn Quốc tiếp tục tăng hai con số.

Sáng 14/5, Cơ quan quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo thêm 29 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 10.991 ca, trong khi số ca tử vong tăng thêm một ca lên 260 ca.

Cùng ngày, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết một tổ chức phi lợi nhuận đã vận chuyển dung dịch rửa tay sát khuẩn tới Triều Tiên nhằm hỗ trợ nước này chống dịch COVID-19. Đây là lần đầu tiên trong năm nay Chính phủ Hàn Quốc cho phép một tổ chức dân sự cung cấp hàng viện trợ cho Triều Tiên.

Theo thông báo, lô nước rửa tay trị giá 100 triệu won (81.400 USD) đã được vận chuyển đến Triều Tiên vào đầu tháng này sau khi được Chính phủ Hàn Quốc cấp phép.

Tháng trước, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng đã "bật đèn xanh" cho một tổ chức khác viện trợ 20.000 bộ quần áo bảo hộ cho Triều Tiên nhưng số hàng này chưa được chuyển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục